Hà Nội - Bản hùng ca phố: Cuộc gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của 70 năm trước

Minh Trang/Ảnh: BTC-Thứ tư, ngày 09/10/2024 11:28 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội - Bản hùng ca phố sẽ đưa khán giả gặp gỡ những nhân chứng lịch sử vào thời khắc quan trọng của thủ đô cách đây 70 năm.

Hà Nội một thời đạn bom, một thời hòa bình là tình yêu và nỗi nhớ của mỗi người dân nước Việt. Không có thành phố nào trên thế giới lại có nhiều bài hát ngợi ca đến thế. Hà Nội - Bản hùng ca phố, vì vậy, là một chương trình đậm chất âm nhạc và nghệ thuật, gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử hào hùng đầy tự hào của thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, sáng tạo và phát huy nét văn hoá của Hà Nội phố.

Câu chuyện lãng mạn nhưng ẩn chứa sự hào hùng

Hà Nội - Bản hùng ca phố là một trong những chương trình trọng điểm được Đài THVN thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Chương trình được ekip Ban Sản xuất các chương trình Giải trí thực hiện công phu, trong thời gian dài.

Hà Nội - Bản hùng ca phố: Cuộc gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của 70 năm trước - Ảnh 1.

"Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến 36 phố phường. Có lẽ ít có nơi nào như Hà Nội, khi mỗi con đường, mỗi ngôi nhà đều là những chứng nhân lịch sử, lặng lẽ và kiên cường dõi theo bao biến thiên, từ đổ nát khốc liệt của chiến tranh đến ngày về huy hoàng chiến thắng (10/10/1954), bất khuất, kiêu hùng làm nên Điện Biên Phủ trên không (1972); hồi sinh mạnh mẽ sau 2 cuộc chiến để trở thành "Thành phố vì hòa bình" (1999) được UNESCO công nhận và tiếp tục là Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế (2019) cho đến nay" - BTV Trần Thu Hường, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí chia sẻ về ý tưởng thực hiện chương trình - "Không có thành phố nào trên thế giới lại có nhiều bài hát ngợi ca như Hà Nội. Vì vậy, Bản hùng ca phố sẽ là một chương trình đậm chất âm nhạc và nghệ thuật, gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử hào hùng đầy tự hào của thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, sáng tạo và phát huy nét văn hoá của Hà Nội phố".

BTV Trần Thu Hường cho biết Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội cùng với Đài Truyền hình Việt Nam  đã lựa chọn Hoàng Thành Thăng Long để tổ chức chương trình Hà Nội - Bản hùng ca phố. Đây là nơi đóng có ý nghĩa quan trọng của thủ đô lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi đã diễn ra Lễ Chào cờ đầu tiên của Thủ đô Giải phóng vào 15h ngày 10/10/1954.

"Thực ra, dung hòa yếu tố chính luận, lịch sử với nghệ thuật trong một chương trình về Hà Nội lại không phải là thách thức lớn nhất, vì trong Hà Nội – dù ở bất kì hoàn cảnh nào – cũng đều có sự lãng mạn, đều có cốt cách riêng" - BTV Trần Thu Hường bộc bạch - "Nhìn vào lịch sử là thấy dấu ấn của nét hào hoa, của hồn người Hà Nội, và ngược lại lắng nghe một câu thơ hay một giai điệu, cũng có thể mường tượng hay gợi nhắc về hoàn cảnh lịch sử của Hà Nội lúc đó. Nghe Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi là có thể thấy một thủ đô đỏ lửa những ngày "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", nghe "trùng trùng quân đi như sóng/lớp lớp đoàn quân tiến về" là như thấy trước mắt một Hà Nội rực rỡ cờ hoa trong ngày giải phóng, hoặc khi xem hình ảnh những trận địa pháo phòng không bảo vệ bầu trời thủ đô những năm Mỹ bắn phá miền Bắc là lòng tự khắc ngân nga "chân ta bước lòng ung dung tự hào/kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao…"

Cuộc gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của 70 năm trước

Với 3 chương nội dung, gồm: Trận địa trong thành phố, 9 năm rừng lòng vẫn thủ đô, Bài ca Hà Nội, chương trình Hà Nội - Bản hùng ca phố sẽ đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử về Hà Nội, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của 70 năm trước, và xa hơn là của gần 80 năm trước khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến. Hà Nội chính là nơi đầu tiên nổ ra tiếng súng báo hiệu trận chiến lớn của toàn dân tộc.

"Nhân vật đặc biệt nhất của chương trình chính là những nhân chứng" - BTV Thu Hường kể - "Như NSƯT Phùng Đệ - nhà quay phim chiến trường kỳ cựu, trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội năm 1946, ông mới là một vệ út 13 tuổi, làm liên lạc cho các đơn vị trong thành, có mặt trong cuộc lui quân lịch sử ngày 17/2/1947. Hay bà Phạm Thị Viễn khi đó là nữ tự vệ 22 tuổi của Nhà máy cơ khí Mai Động, đầu chít khăn tang trắng vẫn kiên cường bên mâm pháo bảo vệ bầu trời Hà Nội và góp phần hạ gục chiếc máy bay F.111A vào đêm 22/12/1972… Họ chính là những chứng nhân cho lịch sử hào hùng của mảnh đất này".

Một trong những thách thức của ekip khi thực hiện các chương trình chính luận nghệ thuật là tìm kiếm và tiếp cận nhân chứng lịch sử, đồng thời cũng phải kể câu chuyện với góc nhìn mới, sáng tạo. Với chương trình Bản hùng ca phố, điều này cũng không ngoại lệ.

BTV Trần Thu Hường cho biết: "Vì đã 70 năm trôi qua nên các nhân chứng đều là ông bà rất cao tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ đã kém minh mẫn đi nhiều. Không thể gọi điện để khai thác câu chuyện, các BTV tới từng nhà, gặp từng nhân chứng để hỏi chuyện. Có những cụ tai đã không nghe rõ, phải viết to từng câu hỏi ra giấy để cụ đọc rồi trả lời. Đồng thời, BTV cũng phải đọc rất kỹ các tư liệu lịch sử để đối chiếu, hỏi lại, gợi nhớ... để thông tin các bác kể được chi tiết và rõ ràng".

"Rất nhiều bác đã không thể tham gia trực tiếp tại Hoàng Thành Thăng Long. Đó là một trong những điều đáng tiếc của chương trình", BTV Trần Thu Hường nói.

Nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí chia sẻ thêm: "Thực ra, có nhiều cách khác nhau để làm cho lịch sử sống động trở lại, tái tạo nó để khiến mọi người cảm thấy mình đang được sống trong chính thời kỳ ấy. Tôi nghĩ mỗi con người đều có khao khát khám phá lịch sử, bởi từ đây sẽ hiểu hiện tại và tương lai. Cách để làm tốt nhất đó là phát huy hết những công cụ sáng tạo mà ngày hôm nay chúng ta có, thậm chí có thể dùng những công cụ mới như trí tuệ nhân tạo để giúp câu chuyện lịch sử trở lên sống động hơn".

BTV Sơn Lâm và Hồng Nhung đảm nhận vai trò dẫn chương trình

Âm nhạc - Mạch chính nối xúc xuyên suốt chương trình

Bên cạnh các phóng sự được thực hiện kỳ công hoặc trích đoạn phim tài liệu quý giá, âm nhạc là mạch chính nối cảm xúc và xuyên suốt trong chương trình, tạo cảm giác cho khán giả như đang xem một bộ phim về lịch sử hào hùng, lắng đọng nhưng không kém phần lãng mạn. Các phần dàn dựng được kết hợp giữa tính liền mạch của âm nhạc, các set sân khấu, công nghệ trình chiếu và sự trình diễn của đông đảo nghệ sĩ để tạo nên một bản hùng ca - phố cả về thính giác, thị giác và chiều sâu cảm xúc, bề dày lịch sử của thủ đô.

Hà Nội - Bản hùng ca phố: Cuộc gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của 70 năm trước - Ảnh 4.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia chương trình

Đặc biệt, ekip sản xuất đã ấp ủ ý tưởng 3D Mapping để tạo sự mới lạ cho sân khấu Hoàng Thành Thăng Long. Để thực hiện được kế hoạch này, nhóm phụ trách phần thể hiện đã phải khảo sát thực địa nhiều lần và tham vấn ý kiến của nhiều đơn vị chuyên môn về cách trình chiếu 3D Mapping, hiệu quả trình chiếu, các hiệu ứng mới, phù hợp với chương trình...

"Với 6 lớp hình ảnh, kết hợp từ trình chiếu Hologram đến 3D Mapping, màn hình Led... chắc chắn sân khấu chương trình sẽ tạo những hiệu ứng hình ảnh đặc biệt, bối cảnh đa dạng từ phố phường Hà Nội những năm tháng chiến đấu ác liệt, đến chiến khu rừng núi bạt ngàn, hay hình ảnh thủ đô cờ hoa rực rỡ ngày ca khúc khải hoàn…", BTV Thu Hường cho hay.

Đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc của Hà Nội - Bản hùng ca phố là nhạc sĩ Lưu Hà An, một người con của mảnh đất Hà Nội. Ở anh luôn có tình yêu đặc biệt dành cho thủ đô. Vì thế, dưới bàn tay của nam nhạc sĩ, những nhạc phẩm kinh điển về Hà Nội càng trọn vẹn cảm xúc hơn. Không chỉ vậy, màu sắc âm nhạc cũng thay đổi theo nhiều cung bậc khác nhau, khi hùng hồn hào sảng như Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, lúc lắng lại da diết như bản mashup Hướng về Hà Nội - Áo mùa đông, cũng có khi trong trẻo hồn nhiên như Em bé Hà Nội…, qua giọng hát của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Trọng Tấn, NSƯT Việt Hoàn, NSND Tấn Minh, Phạm Thu Hà, Bảo Trâm, Tạ Quang Thắng, Đông Hùng…

"Số lượng các bài hát về Hà Nội rất nhiều, nên đạo diễn âm nhạc cũng rất mất công để tìm kiếm các bài phù hợp về nội dung, cảm xúc, đồng thời nhóm sản xuất chương trình còn có quá trình tra cứu kĩ về hoàn cảnh ra đời bài hát để làm phần nội dung, thể hiện được sát lịch sử hơn" - BTV Thu Hường chia sẻ - "Nhưng điều đặc biệt là từ đội ngũ dàn nhạc, nhạc sĩ phối khí đến các ca sĩ tham gia chương trình đều là những người yêu Hà Nội. Họ có thể sinh ra ở đây, có thể từ nơi khác đến nhưng đã học tập, trưởng thành và gắn bó với mảnh đất thủ đô. Hay dù có thể đã rời xa thủ đô và đang sinh sống ở nơi khác, nhưng họ luôn mang theo tình yêu và nỗi nhớ Hà Nội trong tim, và nhất định sẽ trở về Hà Nội - như lớp lớp cha ông của họ đã chiến đấu, đã hy sinh, để họ được sống trong hòa bình, sáng tạo và cống hiến cho Hà Nội và cho cả đất nước".

"Thông điệp của Hà Nội - Bản hùng ca phố mà chúng tôi mong muốn gửi tới khán giả cũng đơn giản thôi. Chúng tôi làm chương trình với tình yêu và niềm tự hào về Hà Nội, nên mong rằng khán giả cũng sẽ yêu và tự hào hơn về thủ đô. Từ tình yêu ấy, ta có thể làm được rất nhiều điều, dù nhỏ bé, cho mảnh đất mà ta nặng lòng gắn bó", PD Trần Thu Hường, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài THVN cho hay.

Chương trình Hà Nội - Bản hùng ca phố sẽ được THTT vào 20h10 ngày 2/10 trên kênh VTV1. Mời quý vị và các bạn đón xem!


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước