Ngoài các phóng viên, nhà báo, tham gia hội thảo còn có ông Lâm Kiết Tường - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN; nhà báo Đỗ Quốc Khánh - Trưởng Ban Khoa giáo Đài THVN; ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng Ban Truyền hình Tiếng dân tộc Đài THVN và PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã đề cập về một số vấn đề trong việc truyền thông bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ông nhấn mạnh: "Lâu nay các phương tiện truyền thông, các kênh báo viết, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội vẫn thường nói về vấn đề bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi trong xu thế hội nhập hiện nay, các dân tộc dù đa số hay thiểu số đều đứng trước thách thức của quá trình hiện đại hóa, quốc tế hóa dưới nhiều nội dung, dạng thức và mức độ khác nhau".
PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề cập về một số vấn đề trong việc truyền thông bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
"Việc hội nhập, tiếp thu các yếu tố văn hóa mới là một quá trình tiếp biến văn hóa không thể đảo ngược. Nhưng bên cạnh đó, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên cần thiết. Văn hóa vừa là hồn cốt của dân tộc, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Chính truyền thông góp phần quan trọng trong việc giải đáp những ý nghĩa và vai trò của văn hóa. Tuy nhiên, truyền thông vẫn cần đẩy mạnh sự quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sáng tạo và phát triển sự đa dạng trong văn hóa, trong đó có việc lắng nghe, thấu hiểu những tiếng nói của các dân tộc thiểu số", PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Cũng trong buổi hội thảo, nhà báo Mai Hiền - Ban Truyền hình Tiếng dân tộc Đài THVN và nhà báo Phạm Ngọc Anh - Ban Khoa giáo Đài THVN đã chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện các chương trình tiếng dân tộc thiểu số. Hai nhà báo nhấn mạnh, việc tìm hiểu về tính cách, lối sống và tâm lý của đồng bào các dân tộc thiểu số giúp người làm báo phản ánh cuộc sống của họ một cách chân thực hơn.
Nhà báo Mai Hiền - Ban Truyền hình Tiếng dân tộc, Đài THVN
Nhà báo Phạm Ngọc Anh - Ban Khoa giáo, Đài THVN
Nhà báo Mai Hiền cho rằng, việc tiếp cận ban đầu với những nghệ nhân, trưởng bản, những người có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng giúp cho quá trình tác nghiệp thuận tiện hơn. Còn nhà báo Phạm Ngọc Anh khẳng định, người làm báo, làm truyền hình càng đưa được nhiều chất liệu cuộc sống của người dân tộc, tác phẩm sẽ càng sống động, càng "mùi" và dễ dàng lay động khán giả hơn.
Buổi hội thảo còn có sự tham gia của nhà báo Cứ Thị Dung - Phó Trưởng phòng Phát thanh và Truyền hình tiếng Dân tộc, Đài PT-TH Lào Cai. Cô chia sẻ một số câu chuyện trong quá trình tác nghiệp của đội ngũ sản xuất các chương trình tiếng dân tộc thiểu số của Đài PT-TH Lào Cai. Cô cũng cho biết, hiện nay, Đài PT-TH Lào Cai mới chỉ tập trung cộng tác với Ban Truyền hình tiếng dân tộc, trong khi việc cộng tác với Ban Khoa giáo, Ban Truyền hình Đối ngoại của VTV còn hạn chế. Vì thế, nhà báo Cứ Thị Dung mong muốn đẩy mạnh việc cộng tác để mang đến cho khán giả thêm nhiều thông tin về đời sống, bản sắc văn hóa các dân tộc.
Nhà báo Phạm Ngọc Anh - Ban Khoa giáo, Đài THVN
Ngoài ra, nhà báo Dương Trọng Danh (Đài PT-TH Sóc Trăng) và nhà báo Nguyễn Xuân Duy (Đài PT-TH Ninh Thuận) cũng chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tác nghiệp, sản xuất các chương trình tiếng dân tộc thiểu số. Bởi hiện nay, Sóc Trăng và Ninh Thuận là hai địa phương có nhiều người dân tộc sinh sống.
Nhà báo Dương Trọng Danh - Đài PT-TH Sóc Trăng
Nhà báo Nguyễn Xuân Duy - Đài PT-TH Ninh Thuận
Nhà báo Nguyễn Xuân Duy cho biết: "Thực tế ở các vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hủ tục, thói quen lạc hậu vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, muốn thay đổi được thực trạng này cần phải có thời gian nên việc nghiên cứu những đặc điểm của từng dân tộc để vừa đảm bảo bản sắc, nét văn hóa riêng của họ vừa truyền tải thông tin đến khán giả một cách đúng đắn. Đó cũng là thách thức với những người sản xuất chương trình tiếng dân tộc ở địa phương. Vấn đề quan trọng là đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên, đầu tư các trang thiết bị cần thiết và đổi mới cách làm truyền hình theo hướng thực tế để phù hợp với đối tượng tiếp cận là đồng bào dân tộc thiểu số".
Thông qua những chia sẻ của các nhà báo, ông Lâm Kiết Tường - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN - mong muốn các Đài Truyền hình, các đơn vị sản xuất những chương trình tiếng dân tộc thiểu số trên cả nước sẽ sản xuất thêm được nhiều tác phẩm truyền hình có chất lượng, vừa mới lạ, hấp dẫn vừa chân thực, gần gũi để truyền tải "ngọn lửa" văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa có nguy cơ mai một.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.