Ánh sáng niềm tin, con hiến dâng Người tuổi thanh xuân...
Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Duy Ứng.
Những bức tranh của Đại tá Lê Duy Ứng.
Trong những năm 1970 - 1972, thực hiện lệnh Tổng động viên, hơn 1 vạn sinh viên miền Bắc đã xếp bút nghiên để đến với các chiến trường miền Nam. Và Đại tá Lê Duy Ứng, lúc đó đang là sinh viên năm 3 Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã tình nguyện nhập ngũ. Lúc ông rời giảng đường là năm 1971.
"Sau 3 tháng được huấn luyện thì tôi được đưa vào Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đó là những ngày ác liệt nhất của 81 ngày đêm" - Đại tá Lê Duy Ứng nhớ lại.
Vào ngày 11/4/1975, Thiếu uý Lê Duy Ứng lúc đó theo đội hình hành quân thần tốc tiến vào miền Nam. Ông chia sẻ: "Tôi thuộc quân đoàn 2, tiến vào giải phóng căn cứ nước trong, sau khi giải phóng nó mình mới tiến vào Sài Gòn được. Đó là trận chiến ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh".
Nhiệm vụ chính của Đại tá Lê Duy Ứng lúc đó là ghi lại hình ảnh chiến đấu anh dũng bằng máy ảnh, máy quay và ký hoạ. Nhưng cũng chính trong trận hành quân thần tốc này, ông đã bị thương rất nặng.
Một trong những bức tranh của Đại tá Lê Duy Ứng.
Đại tá Lê Duy Ứng nói trận chiến ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, khi đang ngồi trên chiếc xe tăng và vừa hạ chiếc máy ảnh xuống thì ông đã bị bắn.
"Tôi bị trọng thương rất nặng" - Đại tá Lê Duy Ứng nhớ lại khoảnh khắng kinh hoàng - "Mắt phải bị lòi ra ngoài, tôi bị một quả đạn và mắt phải bị rơi ra ngoài. Mắt trái cũng bị mảnh đạn vào và trên đầu cũng đầy mảnh đạn".
Ông nói, kinh nghiệm của những người chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường là khi bị thương, nếu càng tỉnh táo là sắp hy sinh. Vào đúng thời khắc ấy, tất cả những hình ảnh thân thương lần lượt hiện lên trong tâm trí ông. Đó là hình ảnh gia đình ông, quê hương, đất nước ông... Vào chính lúc ấy, Đại tá Lê Duy ỨNg đã rút cặp vẽ bên cạnh, chấm máu từ chính đôi mắt mình và vẽ bức chân dung Bác Hồ.
Sau khi vẽ xong, cẩn thận gấp bức vẽ cho vào túi ngực trái, ông đã ngất đi không biết gì nữa. Đại tá Lê Duy Ứng nói khi ông trên đường ra viện ở Phan Thiết thì nghe tin Sài Gòn giải phóng.
Lúc đó tôi nằm trên chiếc băng ca và 2 hàng nước mắt chảy ra. Tôi nghĩ giá như mình không bị thương hai mắt thì mình đang chạy nhảy trên đường phố Sài Gòn, đang chụp ảnh, quay phim và ghi lại hình ảnh bộ đội tiến vào giải phóng thành phố thân yêu...
Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Duy Ứng.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Duy Ứng
Sau chiến tranh, Đại tá Lê Duy Ứng mang thương tật 1/4. (Ảnh: VTV Digital)
Trong cuộc kháng chiến trưởng kỳ giành độc lập dân tộc, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã cháy hết mình cho lý tưởng sống, vì Tổ quốc không ngại khó, không ngại khổ, không sợ hy sinh, đánh giặc cứu nước. Có người mãi nằm lại nơi chiến trường, có người trở về với thân thể không còn lành lặn.
Sau khi chiến tranh qua đi, Đại tá Lê Duy Ứng tuy mang thương tật 1/4 nhưng ông vẫn lạc quan sống. Bức tranh ông vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu từ chính đôi mắt mình sau này, vào năm 2010, đã được ông tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Và hiện nay, bức vẽ ấy vẫn được những người trông coi Viện bảo tàng bảo quản hết sức cẩn thận. Bức chân dung như là một phần của cuộc chiến đã qua và nó là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu Tổ quốc, cho sự hy sinh của người chiến sĩ.
Bức tranh chân dung Bác Hồ hiện đang được Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản cẩn thận.
Là một chương trình mới được sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) của Đài Truyền hình Việt Nam, "Những anh hùng thế kỷ XX" sẽ được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital bắt đầu từ ngày 15/7. Các số của "Những anh hùng thế kỷ XX" - chương trình được đồng hành của công ty Golf Long Thành - được đăng tải trên Báo điện tử VTV.VN và Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!