Gala Ngày trở về sẽ lắng đọng cảm xúc với “Tiếng gọi quê hương”

Lan Chi, Ảnh: Thanh Huyền-Thứ ba, ngày 17/02/2015 19:00 GMT+7

Giáo sư Kiều Linh (trái) và MC Hạnh Phúc trên sân khấu của Gala Ngày trở về tại Đài THVN

(VTV.vn) - Không có sự tưng bừng như những năm trước, Gala Ngày trở về 2015 sẽ đưa khán giả tới một không gian lắng đọng cảm xúc với chủ đề “Tiếng gọi quê hương”.

Đã thành thông lệ, vào dịp Tết Nguyên đán, những người làm truyền hình ở Ban Truyền hình đối ngoại (VTV4) lại mang tới một “món ăn tinh thần” khó quên cho khán giả - Gala Ngày trở về. Chương trình khắc họa nhiều câu chuyện ý nghĩa cùng nỗi niềm của những người con Việt Nam xa xứ, luôn mong muốn được trở về quê hương để đóng góp một phần cho sự phát triển của đất nước.

Chia sẻ về chủ đề chính của Gala Ngày trở về năm nay, BTV Phương Liên – tổ chức sản xuất chương trình – tiết lộ: “Chủ đề chính của chương trình năm nay là về tình yêu quê hương đất nước và tinh thần dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam và trong trái tim các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài”.

Xuất phát điểm nào khiến ê-kíp nghĩ tới việc thực hiện chương trình theo chủ đề đó, thưa chị?

- Trong năm 2014 vừa qua, lòng yêu nước của kiều bào được thể hiện qua những diễn biến nguy hiểm trên Biển Đông. Họ đã đoàn kết với nhau, cất lên tiếng nói bảo vệ lẽ phải và công lý cho quê hương, đất nước mình. Dù đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì tinh thần hướng về Tổ quốc cũng rất mạnh mẽ. Đó là xuất phát điểm để Gala Ngày trở về tập trung nói về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài.

Vậy, so với mọi năm, hình thức thể hiện của chương trình có gì khác biệt?

- Khác với mọi năm là theo hình thức trò chuyện tại trường quay kết hợp biểu diễn văn nghệ, Gala Ngày trở về năm nay được thể hiện theo dạng phim tài liệu – ký sự, kể lại những dấu mốc lịch sử về tinh thần dân tộc của 3 vị vua chống Pháp bị lưu đày, của những trí thức Việt kiều đầu tiên theo Bác Hồ về nước (năm 1946) – Võ Quý Huân, Trần Đại Nghĩa và Trần Hữu Tước – để đóng góp cho Tổ quốc. Qua những câu chuyện đó, khán giả sẽ hình dung được họ đã phải hy sinh như thế nào trong cuộc sống, trong sự nghiệp đang có nhiều cơ hội rộng mở ở nước ngoài để quay trở về quê hương, đóng góp sức lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hay cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.

Bên cạnh đó, chương trình cũng nhắc đến tấm gương sinh viên Việt Nam điển hình tại Mỹ là ông Nguyễn Thái Bình đã có công như thế nào trong phong trào phản chiến những năm 70 của thế kỉ trước, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là câu chuyện về những thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài hết lòng hướng về chủ quyền biển đảo của quê hương để làm bật lên tinh thần đoàn kết của những người con Việt Nam xa xứ khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm. Mỗi người có một cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước khác nhau nhưng điều đó luôn thường trực trong họ.

Được biết, tên gọi của Gala Ngày trở về năm nay là “Tiếng gọi quê hương”. Mất khoảng bao lâu để ê-kíp thống nhất được tên gọi này?

- Đúng như bạn nói, chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian để thống nhất được tên gọi của Gala Ngày trở về năm nay. Chương trình năm nay là sự ngược dòng lịch sử để nói về tinh thần dân tộc nên có quá nhiều gợi ý cho các thành viên trong ê-kíp khi bàn về tên gọi của chương trình. Hai tiếng “quê hương” luôn toát lên điều gì đó rất thiêng liêng mà gần gũi đối với những người con xa xứ và tất cả những nhân vật mà chương trình hướng tới đều trở về bằng cách này hay cách khác, vì tình yêu dành cho đất nước. Và “Tiếng gọi quê hương” là phù hợp nhất để có thể bao trùm toàn bộ chủ đề mà chương trình đề cập.

Hệ thống màn hình LED hiện đại là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cho cách thể hiện trong chương trình năm nay

Còn về quá trình lựa chọn nhân vật cho chương trình năm nay có gặp phải nhiều khó khăn không, thưa chị?

- Việc lựa chọn nhân vật là không khó nhưng cái khó là ở cách thể hiện câu chuyện trong chương trình bởi 2/3 nhân vật của chương trình đều là nhân vật lịch sử. Việc chuyển tải những câu chuyện lịch sử này một cách sinh động nhất trên truyền hình không hề là đơn giản vì phải để khán giả cảm nhận được không khí của từng thời điểm lịch sử.

Một cái khó của chúng tôi khi thực hiện các phóng sự là ở chỗ những nhân chứng lịch sử không còn lại nhiều, các tư liệu lịch sử cũng có phần bị thất lạc theo năm tháng. Ê-kíp của chương trình đã phải tìm đến rất nhiều trung tâm nghiên cứu, viện bảo tàng, thư viện… để có thể tìm ra được những chi tiết hay, hấp dẫn và thú vị trong cuộc đời của mỗi một nhân vật, để làm toát lên tinh thần dân tộc của họ một cách rõ nét nhất.

Rất may mắn, chúng tôi đã tìm được những tư liệu gốc về tấm gương sinh viên Việt Nam điển hình Nguyễn Thái Bình ở Mỹ hay về ông Trần Đại Nghĩa ở Pháp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được giúp đỡ rất nhiều từ những nhà nghiên cứu để có được thông tin lịch sử xác thực nhất cho nhân vật trong chương trình.

Như chị vừa đề cập, chương trình năm nay phải thu thập khá nhiều tư liệu lịch sử. Hoàn thành được công việc đó hẳn cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức?

- Tính từ thời điểm bắt đầu lên ý tưởng cho tới khi hoàn thành là khoảng 6 tháng. Ê-kíp của chúng tôi cũng phải tới rất nhiều nơi ở Mỹ, Pháp và cả những địa danh lịch sử ở Việt Nam khi thực hiện chương trình.

Chị cũng đã chia sẻ, Gala Ngày trở về năm nay đề cập đến cả tinh thần yêu nước của kiều bào ta ở thời kỳ này – năm 2014, khi Biển Đông dậy sóng. Không biết đó có thể coi là một điểm nhấn của chương trình?

- Đó sẽ là một trong những điểm nhấn của chương trình, chứ không phải là điểm nhấn duy nhất. Gala Ngày trở về là một chương trình dài, nên ở mỗi một trường đoạn, chúng tôi đều có điểm nhấn nhất định. Tôi có thể chia sẻ với bạn rằng, ở trường đoạn nói về câu chuyện trở về của 3 Việt kiều cùng Bác Hồ năm 1946 thì câu chuyện của ông Võ Quý Huân sẽ là điểm nhấn bởi khi ấy, hoàn cảnh của ông đặc biệt hơn. Ông quyết định trở về nước theo tiếng gọi của tình yêu quê hương và nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc khi đã có vợ và một cô con gái 2 tuổi. Ông không biết rằng từ giây phút chia xa đó, ông không bao giờ gặp lại gia đình thân yêu của mình ở bên Pháp nữa.

Được biết, Gala Ngày trở về năm nay sẽ có một nhân vật trải nghiệm và cũng là khách mời tại trường quay. Lý do nào đã khiến ê-kíp có sự thay đổi này so với các năm trước?

- Xuất phát từ quá trình lên ý tưởng cho chương trình là một đề tài lịch sử và trải dài theo thời gian nên chúng tôi nghĩ đến việc làm sao có được một con người hiểu về lịch sử có thể kết nối được những giai đoạn khác nhau để chuyển tải hết nội dung chương trình tới khán giả. Ê-kíp sản xuất nghĩ rằng đó phải là người yêu lịch sử, muốn tìm hiểu về lịch sử mới có thể chuyển tải hết được cảm xúc của chương trình.

Cá nhân tôi đã có dịp tiếp xúc với Giáo sư Kiều Linh – một Giáo sư Sử học dạy tại trường Đại học UC Davis (Mỹ) và được biết cô ấy rất yêu lịch sử Việt Nam nhưng ít có điều kiện trở về Việt Nam để tìm hiểu. Những gì Giáo sư Kiều Linh biết về lịch sử Việt Nam hầu hết đều qua sách và báo chí. Từ đó, chúng tôi nghĩ rằng cô ấy sẽ là nhân vật trải nghiệm phù hợp cho chương trình lần này. Nhân vật trải nghiệm là một Việt kiều sẽ kể lại tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của những người con Việt Nam để chuyển tới khán giả truyền hình.

Cũng bởi chương trình hướng tới đối tượng khán giả chính là kiều bào ta ở nước ngoài nên chúng tôi quyết định mời Giáo sư Kiều Linh làm nhân vật trải nghiệm để tạo thêm phần thú vị và ý nghĩa hơn.

Trong quá trình ghi hình, có một cảnh đốt đuốc ngay tại trường quay. Có thể nói đây là điều đặc biệt nhất trong các chương trình Gala Ngày trở về kể từ khi lên sóng. Vậy, để thực hiện thành công phân cảnh này, ê-kíp có gặp khó khăn hay trở ngại không, thưa chị?

- Đúng là cảnh này rất khó để có thể hoàn thành. Nhất là khi thực hiện trong trường quay khép kín. Ban đầu, ê-kíp nghĩ màn đốt đuốc này sẽ khó thành vì phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về chống cháy nổ. Đây là một phần rất có ý nghĩa trong trường đoạn nói về tinh thần yêu nước của người sinh viên Việt Nam Nguyễn Thái Bình. Chúng tôi muốn chuyển tới khán giả thông điệp rằng: “Tinh thần yêu nước của sinh viên Nguyễn Thái Bình giống như ngọn đuốc, nó có sức lan tỏa rất lớn và sẽ làm bùng cháy lên tinh thần đó ở hàng triệu trái tim Việt Nam khác”. Ê-kíp đã tìm đủ mọi cách để có thể thực hiện thành công phân cảnh này và rất may là tất cả đều suôn sẻ.

Màn đốt đuộc được thực hiện ngay trong trường quay của Gala Ngày trở về

Gala Ngày trở về là một trong những điểm nhấn của VTV4 vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Sau 4 năm được thực hiện, ê-kíp có nhận được nhiều phản hồi của kiều bào gửi về chương trình?

- Rất may mắn, sau mỗi một chương trình, chúng tôi đều nhận được những phản hồi rất tốt từ khán giả. Có thể nói, sau 5 năm, Ngày trở về đã trở thành một thương hiệu, một chương trình có chất lượng, được khán giả yêu mến, đón chờ vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Và vinh dự đấy cũng lại tạo nên một áp lực cho những người thực hiện chương trình bởi chúng tôi luôn ý thức rằng khán giả càng ngày càng đòi hỏi chương trình phải hay hơn, đẹp hơn và sâu sắc hơn. Sau mỗi một lần thực hiện, chúng tôi lại thấy như mình có thêm nhiều động lực sáng tạo.

Cũng phải nói thêm rằng, ê-kíp của VTV4 rất may mắn có đội ngũ những biên tập viên, phóng viên rất say nghề, vững nghề. Mọi người làm việc đều rất tâm huyết và hứng thú dù khó khăn là không hề ít trong mỗi lần thực hiện chương trình. Ví dụ như trong chương trình năm nay, khó khăn là ở vốn tiếng Việt hạn chế của nhân vật trải nghiệm khiến cô ấy không thể trình bày hết ý kiến của mình. Ê-kíp đã tốn khá nhiều thời gian và công sức để giúp nhân vật trải nghiệm nói được trọn vẹn ý kiến theo một cách gần gũi nhất với khán giả Việt Nam.

Với Gala Ngày trở về năm nay, thay mặt cho ê-kíp sản xuất, chị có thể nói lên mong muốn về sự đón nhận của khán giả khi chương trình lên sóng?

- Ê-kíp rất muốn mang đến cho khán giả một bức tranh toàn cảnh về lòng yêu nước, sự đoàn kết của con người Việt Nam trong mọi thời kỳ lịch sử để qua đó khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước của khán giả. Chúng tôi mong khán giả truyền hình, nhất là những khán giả ở xa Tổ quốc thấy được sự trở về của những người con Việt Nam ở thế hệ trước là như thế nào, họ đã phải hy sinh những gì vì trách nhiệm đối với Tổ quốc. Hy vọng, thông qua đó, sẽ có nhiều hơn những bà con Việt kiều trở về để đóng góp cho quê hương.

Hỏi hơi xa một chút, với Gala Ngày trở về năm sau, ê-kíp đã có ý tưởng thực hiện chương trình theo hướng nào?

- Chúng tôi vẫn đang đầu tư suy nghĩ và tìm tòi để thực hiện chương trình năm sau. Đã có rất nhiều ý tưởng được đưa ra và chúng tôi đang thấy tâm đắc với chủ đề về thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba - những người trẻ sau này. Những câu chuyện về ý thức dân tộc trong họ, cuộc vật lộn để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai?" và cách nhìn lịch sử của họ là những điều rất thú vị mà chúng tôi nghĩ nhiều khán giả muốn tìm hiểu. Nhân đây, chúng tôi cũng rất mong quý vị khán giả nếu biết được những câu chuyện ý nghĩa như vậy, xin hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ e-mail: ngaytrove@vtv.vn.

Bối cảnh hoành tráng trên sân khấu của Gala Ngày trở về

Thay cho lời kết, chị có thể gửi một lời chúc mừng năm mới tới độc giả của VTV News?

- Thay mặt cho ê-kíp sản xuất Gala Ngày trở về, xin gửi lời chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng tới độc giả của VTV News. Mong rằng trong năm mới Ất Mùi, mọi người sẽ có những thành công mới trong công việc, trong cuộc sống và cảm nhận được nhiều hơn nữa giá trị của sự đoàn kết cũng như tình yêu quê hương đất nước, để cùng hướng tới những mục tiêu phát triển chung của đất nước chúng ta.

Cảm ơn chị về những chia sẻ!

Gala Ngày trở về - Tiếng gọi quê hương dự kiến phát sóng vào 15h ngày 18/2 (30 Tết) trên kênh VTV4 và phát lại vào 21h ngày 20/2 (Mùng 2 Tết) trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước