Gala Ngày trở về 2016: Chuyện chưa kể về nơi hạt lúa đầu tiên nảy mầm trên nước Pháp

Chu Anh-Thứ sáu, ngày 12/02/2016 06:00 GMT+7

BTV Hoài Lương trên sân khấu của chương trình Ngày trở về. (Ảnh: ĐLNA)

VTV.vn - Chuyến đi công tác tại Pháp và Đức để lại cho BTV Hoài Lương - Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) nhiều kỷ niệm đáng nhớ, trong đó có những ngày ở vựa lúa Camargue tại Pháp.

BTV Hoài Lương cùng với các đồng nghiệp tại Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) đã có chuyến đi tác nghiệp tại hai nước Pháp và Đức để gặp gỡ các nhân vật cũng như thực hiện phóng sự cho chương trình Gala Ngày trở về 2016.

Chủ đề của chương trình năm nay là "Dấu chân người Việt" nên chuyến đi này của chị và ê-kíp sản xuất đã đến hai nước Pháp và Đức, trong đó có Camargue - vựa lúa nổi tiếng của nước Pháp.

Nói về sự chuẩn bị cho chuyến công tác này, BTV Hoài Lương cho biết vì Gala Ngày trở về là một chương trình đặc biệt "một năm một lần" của Ban Truyền hình Đối ngoại nên đòi hỏi các ê-kíp sản xuất, trong đó có nhóm của chị phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, với một chuyến đi dài gần một tháng, mọi người trong ê-kíp càng phải cẩn thận hơn.

Ngoài chuyến đi đến Pháp, BTV Hoài Lương cũng chia sẻ việc quyết định đi Đức thực sự mang tính "thời cơ". Tất cả thành viên trong đoàn chỉ có vỏn vẹn hai tuần để lên ý tưởng, chuẩn bị visa đến việc liên hệ nhân vật.

Vậy, quyết định có chuyến đi đến Đức của ê-kíp bắt nguồn từ đâu, thưa chị?

- Tháng 10/2015, tôi đã rất may mắn được Bộ Ngoại giao Đức mời sang tham dự một chuyến đi tìm hiểu về người nhập cư và tị nạn tại Đức. Chuyến đi này dành cho các phóng viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là cơ hội để tôi có thể tiếp cận với cuộc sống của những người nhập cư, tị nạn tại Đức đến từ nhiều nước khác nhau, trong đó có rất nhiều người Việt Nam. Tôi cũng có dịp gặp cả những nhà chức trách, nghiên cứu của Đức để hỏi họ về cộng đồng người Việt tại đây.

Đây là một cơ hội thực sự rất tốt. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định ngay là sẽ thực hiện phóng sự về cộng đồng người Việt tại Đức. Có thể ở thời điểm này nhiều người nghĩ cộng đồng người Việt tại Đức tương đối thành đạt, có vị trí tốt ở nước sở tại nhưng làm thế nào để có được như ngày hôm nay, người Việt tại đây đã phải chịu những khó khăn như thế nào trong suốt 40 năm qua hay họ có vị trí thế nào để người dân Đức coi là "một trong những cộng đồng nhập cư thành công và trơn tru nhất tại Đức" thì không phải ai cũng biết.

Quá trình lựa chọn và liên hệ với nhân vật đã diễn ra như thế nào, thưa chị?

- Với câu chuyện người Việt tại Đức, những nhân vật mà chúng tôi chọn có cả những người Việt hết sức tiêu biểu, nổi tiếng và thành đạt tại nước sở tại, nhưng có cả những mảnh đời kém may mắn hơn, tuy nhiên họ vẫn nỗ lực, chăm chỉ, bám trụ lại đất nước châu Âu này.

Cái khó trong việc liên hệ đi công tác ở nước ngoài, chắc cũng là khó khăn chung của nhiều phóng viên, biên tập viên khác, đó là việc cách trở về mặt địa lý vì không thể gặp mặt trực tiếp được trước khi quay, rồi lệch múi giờ. Để liên hệ được với những nhân vật ở Đức - đất nước muộn hơn Việt Nam 6 tiếng, chúng tôi phải đợi đến chiều mới gọi được cho họ, thậm chí là 12h đêm. Nhiều khi 5,7 cuộc điện thoại dài cả 30 phút đồng hồ cũng không bằng một cuộc gặp mặt trực tiếp.

Sang đến nơi, ngay cả khi bắt đầu quay rồi, chúng tôi vẫn phải tiếp tục liên hệ, vẫn phải nhờ người nọ giới thiệu người kia để tìm cho được những câu chuyện đời thường mà ít có tờ báo nào đề cập. Chúng tôi không phải dân bản địa, mặc dù tôi và bạn quay phim đều đã đến Đức công tác. Do đó, muốn hệ thống được cả một chặng đường 40 năm từ nhập cư đến hoà nhập của cộng đồng Việt tại Đức, chúng tôi đã phải hỏi chuyện rất nhiều từ chính những người trong cuộc.

Những câu chuyện thành công của người Việt tại Đức thì nhiều tivi, báo đài đã đưa nhưng quá khứ của họ như thế nào, họ đã từng nhập cư trái phép, không giấy tờ ra sao, họ đã phải làm những nghề gì để kiếm sống? Cả những người năm xưa đi theo diện hợp đồng lao động với Cộng hoà dân chủ Đức (Đông Đức) nữa. Nhiều người theo diện này sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Đông Đức tan rã đã không chịu về nước mà quyết định ở lại, không giấy tờ, không công ăn việc làm, ngôn ngữ thì không biết. Giờ đây họ ra sao?

Có những mảng màu tối của câu chuyện mà chúng tôi được nghe chính họ kể, nhưng thuyết phục họ kể lại câu chuyện ấy trước ống kính máy quay là một điều không hề đơn giản.

Những kỷ niệm nào trong chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc đối với chị?

- Có lẽ trong cả chuyến đi gần 1 tháng vừa qua thì những ngày ở Camargue (miền Nam nước Pháp, ngay gần Địa Trung Hải) là khoảng thời gian chúng tôi không thể nào quên. Chúng tôi đã phải lội ruộng để ra được những cánh đồng trồng lúa. Chính trên những cánh đồng đó, 70 năm trước đây, người Việt đã trồng những bông lúa đầu tiên tại nước Pháp.

Mải quay vì hình ảnh hoàng hôn ở Địa Trung Hải rất đẹp, chúng tôi không biết rằng khoảng thời gian này cũng là lúc muỗi ở ruộng ra rất nhiều. Mà muỗi ở vùng này to như con ruồi (cười). Chúng tôi phải vừa quay vừa đuổi muỗi, hàng trăm con bâu lên người. Nghĩ lại đến giờ chúng tôi vẫn thấy rùng mình.

Nhưng càng buồn hơn là những nỗ lực của buổi chiều trên cánh đồng “muỗi” đó đã “đổ xuống sông xuống biển” vì bị thẻ quay xong bị hỏng luôn. Đúng là tai nạn nghề nghiệp mà. Chúng tôi tiếc lắm nhưng không làm được gì. Đó là khoảng khắc duy nhất mà chúng tôi có thể ghi hình hoàng hôn ở Địa Trung Hải, vì lịch trình ngày hôm sau không cho phép. Biết làm sao được, đi công tác nước ngoài là vậy!

Trong quá trình thực hiện, ê-kíp có gặp nhiều khó khăn và nhận được những hỗ trợ, giúp đỡ như thế nào?

- Khó khăn lớn nhất khi đi công tác nước ngoài luôn là vấn đề “đi lại, di chuyển”. Có thể nói, nếu không có mọi người bên đó giúp đỡ thì chắc chắn chúng tôi không thể ghi hình suôn sẻ được.

Trong quãng thời gian ở Đức, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của cộng đồng người Việt bên đó. Mọi người không quản ngại đường xá, công việc bận rộn mà vẫn thu xếp đưa đi, đón về, thu xếp thời gian của cả gia đình cho ê-kíp đến ghi hình.

Ở Pháp cũng vậy, nơi chúng tôi cần ghi hình nhiều nhất là ở Camargue - vựa lúa nổi tiếng của nước Pháp. Chính xác khu vực trồng lúa mà chúng tôi cần đến thì lại khá xa xôi, cách trở so với trung tâm và các thành phố lơn, lại ít người sinh sống. Những người giúp đỡ chúng tôi nhiều nhất là gia đình nhà Trịnh (bố là người Việt, mẹ người Pháp, giờ chỉ còn ba anh em trai). Họ sinh ra và lớn lên ở Camargue, không biết tiếng Việt, nhưng lại rất quan tâm đến câu chuyện người Việt trước đây bị đày đến khu vực này để trồng lúa và làm muối trong thời chiến tranh thế giới thứ II.

Họ đã nhiệt tình giúp đỡ ekip rất nhiều từ khâu liên hệ, đưa đi đón về, đến chỗ ăn, chỗ ở. Cảm động nhất là khi chúng tôi rời Camargue, họ còn nói với chúng tôi (bằng tiếng Anh “bồi” - vì họ chỉ nói được tiếng Pháp) rằng “Chúng tôi luôn được chào đón khi quay lại đây, đừng quên rằng họ là gia đình ở Pháp của chúng tôi”. Thật sự rất xúc động!. Những tình cảm của của những người gốc Việt dành cho những người từ Việt Nam sang như chúng tôi thật đáng trân trọng!

Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước