Tái chế là niềm đam mê cả đời của Frantz Pedersen - người sáng lập sáng kiến No Just Plastic - đến từ Đan Mạch. Anh đã có nhiều năm sinh sống ở Hội An và cống hiến hết mình cho việc tái chế. Frantz là một doanh nhân có nhiều ý tưởng độc đáo, đồng thời, là người đam mê bảo vệ môi trường.
"Công ty của tôi tên là Not Just Group, được thành lập vào năm 2018 tại Việt Nam. Và năm 2016 là tại châu Âu, cụ thể là tại Đan Mạch" - Frantz giới thiệu về mình - "Tôi từng sản xuất bình nước bằng tre. Để tìm nguyên liệu tre cho sản xuất, tôi đã đến Việt Nam vào năm 2015. Hồi đó, công ty có tên là "Not Just a Bottle".
Thời gian để tôi nghiên cứu phát triển bình nước là từ tre lâu hơn dự kiến. Tôi mất khoảng 2 năm rưỡi. Chúng tôi đã phải đổi tên công ty từ "Not Just a Bottle" thành "Not Just Bamboo" sau khi bắt đầu bán thêm cả bàn chải đánh răng bằng tre và các sản phẩm làm từ tre" - Frantz nói tiếp - "Sau đó, vào tháng 12/2017, sản phẩm bình nước tre của chúng tôi được cấp phép. Năm 2018, chúng tôi đã sẵn sàng để sản xuất những bình nước tre được làm thủ công tại Hà Nội và được chứng nhận an toàn thực phẩm".
"Chúng tôi sản xuất bình đựng nước làm từ tre dưới sự quản lý của công ty Not Just Bamboo. Kể từ năm 2017, chúng tôi bắt tay vào xử lý bã cà phê, rác thải giấy và các vật liệu phế thải khác. Chúng tôi nghiên cứu cách kết hợp các loại rác thải trên cùng với rác thải từ tre để sản xuất ra các loại cốc".
"Từ năm 2020 đến năm 2022, tôi đã phát triển Not Just a Cup - một loại cốc nước được làm từ bã cà phê, rác thải tre, rác thải giấy kết hợp vật liệu sinh học có khả năng kết dính. Giờ đây, tôi không chỉ có công ty Not Just Group mà còn có nhiều dự án khác là Not Just a Bottle, Not Just Bamboo và Not Just a Cup".
"Và khi tôi đến Hội An vào năm 2020, mọi người hỏi tôi rằng: "Frantz này, anh có kinh nghiệm kết hợp các nguyên liệu lại với nhau. Anh có kinh nghiệm gì với đồ nhựa không?". Tôi trả lời: "Tôi không biết nhiều nhưng tôi có thể thử xem sao". Và đó là cách chúng tôi bắt đầu sáng kiến Not Just Plastic".
'Anh Frantz Pedersen hiện tại là một người tiên phong trong việc góp phần cùng thành phố trong việc dọn rác thải nhựa'.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
'Tôi nghĩ việc tôi được mời tới chương trình Talk Vietnam cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của mọi người về môi trường hơn nữa. Chúng tôi rất mong chờ xem mình có thêm bao nhiêu đối tác vào cuối năm nay'.
Frantz Pedersen.
Trong cuộc trò chuyện tại Talk Vietnam, Frantz đã nói về những việc làm có thể giúp cho Trái đất của chúng ta sạch đẹp hơn cũng như sứ mệnh của No Just Plastic - mục đích cho toàn bộ hoạt động của Frantz tại Việt Nam: "Chúng tôi thành lập Not Just Plastic để góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về môi trường và giúp loại bỏ rác thải nhựa tại Hội An".
"Chúng tôi đến thu gom rác thải nhựa tại những nơi kinh doanh đồ ăn thức uống, trường học và khách sạn. Chúng tôi băm nhỏ rác thải nhựa tại Hội An này trước khi mang đến các nhà máy và biến chúng thành các sản phẩm tái chế để bán tại Việt Nam".
Nói về quyết định thu gom các loại nhựa cấp thấp như ống hút và một số vật dụng khác, Frantz cho biết: "Nhựa được chia thành nhiều loại khác nhau. Tổng cộng có 7 loại. Chúng tôi chủ yếu tập trung vào 4 loại. Có những loại nhựa có giá trị cao như PET và HDPE. Bên cạnh đó, có những loại nhựa giá trị thấp như túi nhựa, túi zip, dây đai màng hoặc dây nilon buộc quanh thùng giấy. Hộp đựng đồ uống, ống hút, cốc nhựa dùng một lần là những loại nhựa khó tái chế".
"Khi thức ăn bị kẹt trong những vật dụng này, người ta thường vứt chúng ra đường hoặc bỏ vào thùng rác. Một khi thức ăn bị kẹt thì chúng sẽ rất khó để thu gom và làm sạch" - Frantz nói tiếp - "Vì vậy, chúng tôi cố gắng tuyên truyền cho các nhà hàng, trường học và cộng đồng về cách giảm thiểu rác thải nhựa. Sau khi sử dụng xong cố hoặc ống hút nhựa, họ có thể mang đến cơ sở của chúng tôi. Hoặc chúng tôi có thể đến tận nơi để thu gom nhằm đảm bảo rằng những loại rác thải này được tái chế".
"Chúng tôi tự lái xe tới các địa điểm để thu gom. Ví dụ, tôi đến trường Sky-Line Hill - nơi chúng tôi tổ chức nhiều chương trình thu thập đồ nhựa từ các em học sinh".
Chia sẻ tại Talk Vietnam, Frantz nói anh mới khởi nghiệp nên nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế. Vì vậy, anh và đội ngũ của mình sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình thu gom.
"Chúng tôi mới khởi nghiệp nên không có nhiều nhân lực. Thời gian đầu, tôi xây dựng mối quan hệ với các đối tác cung cấp rác thải nhựa. Chúng tôi gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với họ để thuyết phục và khuyến khích họ cung cấp cho chúng tôi. Bản thân tôi thường xuyên tự lái xe đến các địa điểm. Nhờ thế mà kỹ năng lái xe của tôi tại Việt Nam, đặc biệt là lái xe thùng chở rác thải nhựa, đã cải thiện đáng kể".
Anh Frantz trên đường gom thu các loại rác thải nhựa. (Ảnh chụp màn hình)
"Hiện tại, chúng tôi vẫn có rất ít nhân lực. Chúng tôi có nhân viên giỏi giúp phân loại các loại nhựa khác nhau. Chúng tôi nghiền nhỏ, bảo quản và mang chúng đến các nhà máy khi nhận được đơn đặt hàng sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa".
NHỮNG SẢN PHẨM ĐƯỢC TẠO RA TỪ RÁC THẢI NHỰA...
Chia sẻ trong cuộc trò chuyện tại Talk Vietnam, Frantz nói tạo ra các sản phẩm từ rác thải nhựa là phần cốt lõi nhất của hoạt động kinh doanh ngay từ khi mới được thành lập.
'Chúng tôi không chỉ bán một sản phẩm mà chúng tôi còn muốn kể câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm'.
Frantz Pedersen
"Thu gom nhựa là một chuyện. Nó không khó nhưng làm thế nào để mô hình kinh doanh trở nên bền vững mới khó" - Frantz nói - "Tôi cần xác định những sản phẩm nào hấp dẫn đối với khách hàng Việt Nam. Chúng tôi không chỉ bán một sản phẩm mà chúng tôi còn muốn kể câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm. Chúng tôi còn tính làm thế nào để kết hợp nhựa với các vật liệu khác nhằm tăng độ bền cho sản phẩm. Chẳng hạn như tấm nhựa dùng để lát sàn, chúng tôi dùng 35% rác thải nhựa, bao gồm HDPE và một ít nhựa PP".
"Nhựa HDPE thường được dùng để sản xuất chai dầu gội, sản phẩm tẩy rửa trong khi nhựa PP có thể gom từ ống hút, chai và nắp chai nước uống. Số nhựa này dẽ được trộn cùng với 50% chất thải gỗ. Chúng tôi sản xuất tấm lát sàn có thành phần là 85% vật liệu được tái chế. Sau đó, chúng tôi trộn thêm chất chống tia cực tím và xử lý chống trượt. Sản phẩm tấm lát sàn này rất phù hợp để sử dụng cho khách sạn. Chúng rất bền, không cần phải đánh bóng như sàn gỗ và cũng không sợ bị mối mọt làm hỏng. Chúng tôi có thể tiếp tục tái chế sản phẩm này".
'Sẽ không có thứ gì dễ dàng đạt được nếu không bỏ nhiều công sức'.
Frantz Pedersen
"Sau 5 đến 10 năm sử dụng, nếu sản phẩm bị hư hỏng, chúng tôi có thể thu hồi, tái chế và biến chúng thành những tấm lát sàn mới tinh" - Frantz nói tiếp về chiến lược cho các sản phẩm tái chế - "Đây là một dự án dài hạn mà chúng tôi đang theo đuổi. Sẽ không có thứ gì dễ dàng đạt được nếu không bỏ nhiều công sức. Đây là dự án chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện trong vòng 3 đến 5 năm tới. Dự án này có thể dẫn đến dự án khác và đó là điều chúng tôi đang mong đợi".
"Một số khách sạn ở Hội An đang trao đổi với chúng tôi về việc sử dụng sản phẩm lát sàn của chúng tôi. Rất có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ nhận được một đơn hàng tấm lát sàn với diện tích 500 - 1000m2 hay thậm chí 2000m2. Đó là những điều chúng tôi hy vọng đạt được trong tương lai" - Frantz nói. (Ảnh: No Just Plastic)
TINH THẦN ĐOÀN KẾT VÀ HỖ TRỢ LẪN NHAU - MỘT TRONG NHỮNG ĐIỀU ĐẶC BIỆT YÊU THÍCH Ở VIỆT NAM...
Trước câu hỏi đã có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp thân thiện với môi trường, liệu Việt Nam có phải là một trong những nguồn cảm hứng cho ý tưởng này của anh? Frantz cho biết: "Tôi sống ở châu Á khoảng 20 năm nay và tôi luôn cảm nhận được tinh thần khởi nghiệp dồi dào của người châu Á. Ở đây người ta có thể dễ dàng mở một cửa hàng nhỏ chỉ với một mặt bằng khiêm tốn. Đến Việt Nam, tôi nhận thấy các hộ kinh doanh gia đình, đặc biệt là thế hệ người Việt trẻ rất quan tâm đến việc làm điều gì đó tốt đẹp cho môi trường và tìm kiếm một vị trí việc làm mang lại ý nghĩa cho họ".
"Đặc biệt với sự phát triển của internet như ngày nay, rất nhiều người đang bắt tay vào khởi nghiệp và trở thành doanh nhân. Không chỉ bạn bè tôi mà cả những người tôi gặp cũng cùng chung chí hướng như vậy" - Frantz nói tiếp - "Khi kinh doanh, chúng tôi đều có những thách thức giống nhau. Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng tôi có điểm chung là đang cố gắng mang lại điều gì đó tốt đẹp khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp này. Và trên hành trình đó, chúng tôi luôn giúp đỡ lẫn nhau. Đây là một trong những điều tôi thực sự yêu thích ở Việt Nam - tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau".
'Tinh thần cộng đồng là điều tôi yêu thích ở Việt Nam'.
Frantz Pedersen.
"Việt Nam là một đất nước đông dân cư với khoảng 100 triệu dân" - Frantz tiếp tục với câu trả lời của mình - "Nhưng chỉ cần bước ra khỏi nhà khoảng vài bước là dễ dàng gặp người quen. Đây là điều tôi thích ở Việt Nam. Mọi người luôn giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là ở Hội An. Hội An là một cộng đồng nhỏ thôi. Nhưng ngay cả ở Đà Nẵng cũng vậy. Mọi người rất cở mở và luôn có tinh thần giúp đỡ nhau để cùng thành công".
Tất cả các rác thải nhựa trước khi được chuyển đến nhà máy đều được làm sạch và việc thuyết phục mọi người cùng làm điều này không phải đơn giản. Frantz chia sẻ: "Việc này quả không dễ dàng. Nhiều người phản hồi rằng: "Ôi, chúng tôi không có thời gian cho việc này đâu. Chúng tôi bận lắm". Tôi nói rằng: "Bạn có thể dùng ống hút nhựa, ống hút giấy, ống hút làm từ gạo, cốc... Nhưng một số khách hàng của bạn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Á có thể thắc mắc tại sao cửa hàng của bạn lại sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Nếu hợp tác với chúng tôi, bạn có thể đảm bảo với các khác hàng là tất cả các sản phẩm nhựa trong quán cà phê, nhà hàng hay khách sạn của bạn sẽ được mang đi tái chế". Họ có thể chia sẻ với khách hàng của mình rằng những ống hút nhựa họ sửa dụng sẽ sớm được mang đi tái chế".
"Ống hút giấy thường đắt gấp 3 đến 5 lần so với ống hút nhựa nên một số nơi không đủ khả năng mua. Tôi gợi ý họ có thể làm sạch những đồ nhựa chẳng hạn như ống hút bằng cách ngâm chúng trong châuj nước xà phòng và đến cuối ngày làm việc thì chỉ cần ửa qua. Việc này chỉ tốn của họ vài phút".
"Họ cũng có thể làm tương tự như vậy với cốc và chai nhựa. Và chúng tôi sẽ tới và thu gom những đồ nhựa này".
"Khách hàng sẽ hiểu tại sao bạn lại dùng sản phẩm nhựa trong quán cà phê của mình".
'Bạn giúp chúng tôi và chúng tôi giúp bạn'.
Frantz Pedersen.
'Có thể nói anh Frantz là một trong những nhân tố quan trọng để thành phố xây dựng một hệ sinh thái rất ý nghĩa. Đó là hệ sinh thái tái chế, giúp cho thành phố Hội An giảm thiểu rác thải'.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam.
___
Người thực hiện: Tiêu Trang Ngọc Bảo (Theo Talk Vietnam)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!