Sức mạnh về nguồn cội đã giúp cho những người Việt ở khắp nơi trên thế giới gìn giữ được những nét truyền thống và bản sắc Việt. Các câu chuyện "độc" và "lạ" của người Việt ở Mỹ, Australia, quốc đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương và đất nước Châu Phi xa xôi sẽ được tái hiện trong Ngày trở về 2018 - Cội nguồn thương nhớ kể với khán giả trong dịp tết nguyên đán Mậu Tuất.
Là chương trình mang thương hiệu của Ban Truyền hình Đối ngoại, gala Ngày trở về năm nay bước vào năm thứ 8. Điều cảm động nhất mà khán giả có thể nhận được từ những câu chuyện trong gala Ngày trở về dù ở bất cứ phương trời nào, người Việt cũng nặng lòng với quê hương. Với những người làm chương trình, mỗi lần khép lại một gala, gần như ngay lập tức lại bắt tay vào chiến dịch tìm kiếm những câu chuyện mới cho chương trình kế tiếp.
Biên tập viên Hoàng Linh, phó phòng Tiếng Anh, Ban Truyền hình Đối ngoại cho biết: "Điều khó khăn nhất là làm sao tìm được câu chuyện đặc sắc. Vì những năm trước chương trình được khán giả ghi nhận, khiến năm sau chúng tôi phải cố gắng tìm được những câu chuyện hay hơn. Rất may cả ê-kip đã làm cùng nhau suốt 8 năm nay rất hiểu nhau và cùng đồng lòng làm ra một chương trình không chỉ hấp dẫn khán giả, mà còn phải đáp ứng được tiêu chí về nghề nghiệp".
Hàng năm trời tìm kiếm, liên hệ nhân vật và lên các phương án sản xuất cho gala Ngày trở về 2018, 4 ekip đã bắt tay vào sản xuất dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ban. Ekip của BTV Hồng Nhung và 2 quay phim Đức Thiện, Tiến Vũ lên đường tới đảo quốc Vanuatu và Australia. Sang Châu Phi, tới Senegal là BTV Thúy Hằng, Linh Chi và quay phim Việt Nam, đi Trung Quốc là BTV Hoài Thu, Văn Việt, Tuấn Anh và quay ở các địa điểm trong nước là BTV Hoàng Linh, Kim Thịnh và các quay phim Quang Toàn, Đức Thiện, Tiến Lâm.
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn vì địa bàn tác nghiệp xa xôi nhưng với kinh nghiệm và sự thiện chiến của mình, họ luôn hỗ trợ nhau tìm ra những phương án tối ưu để mang đến cho khán giả những câu chuyện độc đáo, hấp dẫn, đầy tính nhân văn.
Đó là câu chuyện của Hoài Tiến - một thanh niên sinh ra ở Mỹ, hoàn toàn không biết tiếng Việt. Dòng máu Việt cứ thôi thúc Tiến trở về quê hương và may mắn được Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng dạy tiếng Việt ngay trên nước Mỹ. Sau đó Tiến đã quyết định trở về Việt Nam sinh sống. Những người làm chương trình hoàn toàn bất ngờ vì Tiến giờ đây là một người Việt 100% với vốn hiểu biết rất sâu sắc về dân tộc học và đang ấp ủ nhiều dự án đem lại lợi ích cho người dân tộc thiểu số. Hoài Tiến chính là người dẫn dắt chương trình, kết nối các nhân vật trong Gala Ngày trở về 2018.
Đó là câu chuyện về một người phụ nữ mà khi sinh ra đã bị mù và bị bỏ rơi tại trại trẻ mồ côi từ trước năm 1975. Đến năm lên 4 tuổi chị được đưa sang Australia nhưng ngoài ý muốn của chị. Những ký ức của một cô bé khiếm thị về nguồn cội, quê hương luôn da diết trong tâm hồn chị. Lòng mong mỏi đi tìm lại mẹ đẻ của mình đã luôn hối thúc chị quay trở về để tìm kiếm và cuối cùng là để có được cảm giác bình yên khi về với nguồn cội.
Đó là câu chuyện về sức mạnh nguồn cội với những người con gốc Việt tại Cộng hòa Vanuatu xa xôi ở Nam Thái Bình Dương. Những người phu mộ Việt Nam đã đặt chân tới đó từ những năm đầu của thế kỷ trước theo diện mộ phu và bị bóc lột đến cùng cực. Nhưng nguồn cội và bản tính bất khuất của con người Việt Nam đã cho họ sức mạnh để đấu tranh chống áp bức trong quá khứ và từ thân phận những người phu mộ sau này chính họ đã gây dựng cơ ngơi để trở thành những doanh nhân giàu có nhất ở Vanuatu…
Nem Việt đã trở thành món ăn trong các gia đình, trong nhà hàng, trong lễ hội ở Senegal. Ai đã đưa món ăn truyền thống của Việt Nam sang nước châu Phi xa xôi? Gala Ngày trở về đi tìm câu trả lời và họ được biết những năm đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1954, thực dân Pháp đã đưa hàng ngàn binh lính từ các nước châu Phi, trong đó có Senegal đến tham chiến ở Đông Dương. Sau chiến tranh, nhiều người phụ nữ Việt lấy chồng Senegal đã theo chồng về nước, tần tảo, chịu thương chịu khó đã dùng món nem để làm kế sinh nhai. Món nem ngay lập tức đã chinh phục được người dân bản địa, giúp những gia đình Việt - Senegal thoát nghèo…
Một phần của Ngày trở về năm nay là câu chuyện rất thú vị về cộng đồng người Kinh sống tại Tam Đảo (Quảng Tây, Trung Quốc), tiền thân là những người Việt từ Đồ Sơn di cư sang từ 500 năm trước, mà vẫn giữ nguyên vẹn những nét đặc sắc nhất của văn hóa Việt. Điều đặc biệt là trải qua hàng trăm năm, không bị đồng hóa, cộng đồng người Kinh tại Tam Đảo vẫn sử dụng chữ Nôm, nói tiếng Việt cổ, mặc áo dài, chơi đàn bầu…
Lịch phát sóng Gala Ngày trở về - Cội nguồn thương nhớ:
- Phát mới: 01h00 ngày 16/2 (mùng 1 Tết) trên kênh VTV4
- Phát lại:
+ 08h00, 19h30 ngày 16/2 (mùng 1 Tết) - VTV4;
+ 21h45, 16/2 (mùng 1 Tết) - VTV8;
+ 05h30, 17/2 (mùng 2 Tết) - VTV2;
+ 01h30, 14h00, 20h05 ngày 18/2 (mùng 3 Tết) lần lượt trên các kênh VTV9, VTV4 và VTV1;
+ 00h50, 02h00, 22h30 ngày 19/2 (mùng 4 Tết) lần lượt trên các kênh VTV9, VTV1 và VTV9;
+ 07h30 ngày 20/2 (mùng 5 Tết) - VTV9;
+ 16h00 ngày 21/2 (6 Tết) - VTV4;
+ 14h40 ngày 22/2 (7 Tết) - VTV3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!