Hải trình đến với các đảo ở Trường Sa vào dịp Tết Nguyên đán gặp mùa sóng to gió lớn. Thường thì sóng lên đến cấp 7- cấp 8, cao chừng 1,7 đến 2,5 mét, làm cho những chuyến xuồng chuyển tải cập vào đảo gặp không ít khó khăn. Nhưng những chuyến tàu tình nghĩa không quản ngại sóng gió vẫn đến với các đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các chiến sĩ nấu bánh chưng đón Tết (Ảnh: Quang Minh)
Đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, đảo chạy dài theo hướng đông tây. Rìa bên ngoài đảo có nền san hô ngập nước cách bờ đảo từ 300 đến 600m. Xã đảo Sinh Tồn là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hoà. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo còn có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như chùa chiền, nhà văn hoá, trường học, trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới.
Ngôi chùa trên đảo (Ảnh: Quang Minh)
Đảo tuy lớn nhưng không có giếng nước ngọt. Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như khó trồng trọt, chỉ phù hợp một số loại cây như mù u, phong ba, phi lao, bàng vuông, bão táp. Vì thế bộ đội và nhân dân phải cải tạo đất để có thể trồng được rau xanh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Cột mốc Đảo Sinh Tồn ( Ảnh: Quang Minh)
Một ngày được ở lại trên đảo cùng đón Tết với anh em cán bộ chiến sĩ quả là nhiều kỉ niệm và cảm xúc. Phút chia tay ngày đầu xuân đã phải bịn rịn rồi. Gặp nhau lần nào cũng vội. Những câu chúc mừng năm mới gửi nhanh đến các cán bộ chiến sĩ và bà con nhân dân trên đảo, những vòng tay ôm, những giọt nước mắt nhiều cảm xúc được giấu đi, để ai cũng thấy mình thật mạnh mẽ.
"Đi để biết: Gần lắm Trường Sa" sẽ lên sóng vào 19h35 ngày 12/2/2024 (Mùng 3 Tết). Mời quý vị đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!