Đạo diễn Lê Minh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hận thù hóa giải là một câu chuyện rất khó… ăn khách trên mặt bằng chung của phim truyền hình hiện tại, vì sao anh lại quyết định thực hiện bộ phim này?
- Khi nhà sản xuất trao cho tôi kịch bản phim Hận thù hóa giải cũng như chọn lựa dàn diễn viên cho phim, tôi nghĩ họ đã cân nhắc rất kỹ. Nhận lời là tôi biết mình nhận một vinh dự và trách nhiệm lớn. Bất kỳ đạo diễn nào đổ công sức lao động nghệ thuật đều mong đợi phim của mình ăn khách. Nhưng cũng không vì thế mà ngoảnh mặt làm ngơ trước những tác phẩm có ý nghĩa, thể hiện những vấn đề thuộc về lịch sử cách mạng. Hận thù hóa giải có thể là một phim truyền hình không đi chung đường với dòng phim thị trường và sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và phát hành. Nhưng nhà sản xuất rất tâm huyết, diễn viên tâm huyết thì bản thân tôi luôn biết trân trọng tâm huyết đó và quyết định dấn thân.
Nhưng qua theo dõi khoảng hơn 10 năm qua tôi thấy, đề tài chiến tranh vốn không phải là thế mạnh của các đạo diễn trẻ sinh sau 1975. Anh có nghĩ đây là một thách đố?
- Theo tôi, làm đạo diễn phim đề tài chiến tranh không phải là cách để tìm đáp án hay cho một sự thách đố. Tôi không phủ nhận những người trẻ như tôi, sinh ra đã tận hưởng hòa bình nên việc làm phim chiến tranh chưa phải là thế mạnh. Nhưng nghĩ lại, thời gian không dừng lại, càng nhìn về tương lai, chúng ta phải nhận ra một sự thật: thế hệ cha chú, anh chị hoạt động nghệ thuật thời chiến tranh, có những vốn sống, hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn quý giá về một thời lịch sử vẻ vang của dân tộc sẽ càng ngày càng ít và càng hiếm. Nếu thế hệ hậu bối không ai dám bước ra phim trường làm phim chiến tranh thì chẳng lẽ những tác phẩm điện ảnh, truyền hình thuộc dòng chính luận mãi mãi nằm im trên kịch bản? Chúng tôi sẽ chọn cách “tầm sư học đạo”, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu qua các nhân chứng lịch sử, trước khi bắt đầu một dự án phim chính luận.
Mới đây, có một số ý kiến cho rằng, phim chiến tranh, nhất là phim truyền hình, thường được làm qua quýt và thiếu tâm huyết, nhằm “cúng cụ” trong những dịp lễ tết. Anh đánh giá thế nào về nhận định này?
- Dư luận có quyền khen chê, nhận định, đánh giá về những thành công hay nhược điểm của một bộ phim. Nếu ai đó nói phim điện ảnh và truyền hình đề tài chiến tranh và hậu chiến gần đây khi được phát hành thường xảy ra một số đánh giá như “làm qua quýt”, “thiếu tâm huyết” và để “cúng cụ”… thì tôi cũng chấp nhận vì cũng có những tác phẩm chưa tốt. Nhưng khi lên đường nhận nhiệm vụ sớm đưa kịch bản Hận thù hóa giải thành phim để gửi đến công chúng, ê-kíp của chúng tôi đã chấp nhận sống, làm việc trong rừng núi hoang sơ, nhiều người đẹp như NSƯT Mỹ Duyên, Dương Cẩm Lynh phải đội mưa, phơi nắng, giẫm bùn và xanh da vì bị vắt cắn hay anh Thương Tín chấp nhận lở loét cả khuỷu tay vì bị bó tay thật chặt suốt ngày đêm để vào vai thương binh, các tổ chuyên môn phải tự mình lội bộ, khuân vác, xách mang đạo cụ, thiết bị đến điểm quay… chúng tôi đã quyết làm một tác phẩm nghiêm túc. Mấy tháng ròng rã chứ đâu phải ít.
Chúng tôi có quyền từ chối phim này để dành thời gian vào phim khác cho sướng thân nhưng tất cả chúng tôi đã chọn cho mình một cách sống và làm việc biết trân trọng, biết nỗ lực và không hề có những suy nghĩ khác…
Một cảnh trong phim Hận thù hóa giải.
Hận thù hóa giải đã đi được 2/3 chặng đường trên sóng VTV1, anh có thường nhận được những ý kiến khen chê của khán giả và đồng nghiệp? Nếu có, xin anh hãy chia sẻ…
- Tôi rất mừng là từ ngày Hận thù hóa giải lên sóng truyền hình VTV1, tôi nhận được nhiều lời cổ vũ, động viên từ phía đồng nghiệp. Họ đã chân tình góp ý cho tôi những điểm cần phát huy. Xúc động nhất là trong tập thể diễn viên có người đã khóc khi nhìn lại hình ảnh của mình trên phim. Về phía khán giả, giới chuyên môn và báo chí đều bày tỏ thái độ ghi nhận sự nỗ lực của cả ê-kíp. Chúng tôi nhận được từ đó một sự khích lệ lớn. Hơn thế nữa, hàng triệu chú bác, anh chị đang là thương binh, gia đình có công với cách mạng trên khắp mọi miền đất nước xem phim này, nếu nhận ra chi tiết nào không chấp nhận được là họ phản ứng ngay. Tuy nhiên, trên một tờ báo có bài đăng “Phim đề tài hậu chiến – liệu cơm gắp mắm” đưa ra một số nhận định về cách làm phim chiến tranh. Tôi thấy bài chưa thể hiện cái nhìn toàn diện về vấn đề làm phim đề tài chiến tranh…
Được biết Hận thù hóa giải có kinh phí đầu tư khá lớn. Nhiều người cho rằng, số tiền đó có thể sản xuất được 2 bộ phim đề tài hiện đại, anh nghĩ thế nào về điều này?
- Trong quá trình triển khai và thực hiện phim Hận thù hóa giải, nhà sản xuất Vnmedia luôn gắn bó, theo sát hỗ trợ hết lòng về việc đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, bối cảnh vì đoàn phim phải đi vào các vùng sâu, vùng xa. Là một đạo diễn tôi chỉ quan tâm đến kịch bản, diễn xuất của diễn viên để điều hành việc triển khai tác nghiệp trên hiện trường quay. Về kinh phí đầu tư sản xuất, nên trao đổi với nhà sản xuất sẽ chính xác hơn.
Thông điệp lớn nhất mà anh muốn gửi tới khán giả của Hận thù hóa giải là gì?
- Hãy học cách bỏ qua lỗi lầm và biết lấy sự sẻ chia, cảm thông mà hóa giải hận thù. Cuộc sống không thể tìm thấy hạnh phúc nếu cứ tiếp tục sống với những nỗi đau của quá khứ. Phim Hận thù hóa giải đề cập đến một cái nhìn mới - nhìn về phía trước của tất cả những người từng đứng bên này hay bên kia chiến tuyến đồng thời phim còn gửi gắm tình cảm trân trọng với những thế hệ đi trước đã đổ máu xương cho hòa bình của dân tộc.
Đạo diễn Lê Minh chỉ đạo trong một cảnh quay của Hận thù hóa giải.
Xuất thân là một diễn viên nhưng anh lại được biết đến nhiều với vai trò đạo diễn, anh suy nghĩ như thế nào về công việc hiện tại của mình?
- Tôi nghĩ mình “ít duyên” với nghiệp diễn viên và “duyên nợ” với vai trò đạo diễn. Nếu có thể chia sẻ về công việc hiện tại, tôi chỉ có thể nói một điều: Tôi hạnh phúc khi được làm công việc hợp với năng lực và khát vọng của mình.
Theo anh, điều cần nhất ở một đạo diễn hiện nay là gì?
- Thật ra có quá nhiều điều cần thiết cho một đạo diễn đang sống và làm việc trong một thị trường phim ảnh nhiều chuyển biến, đa dạng sắc màu và luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơ chế thị trường này. Nhưng với tôi, điều cần nhất vẫn là chữ “tâm”. Ông bà mình dạy “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tâm huyết càng mạnh mẽ, ý chí hành động sẽ càng cao và là bệ phóng cho ý thức chịu khó lắng nghe và học tập của một đạo diễn.
Có không ít đạo diễn sau một vài phim có tiếng vang đã vội vàng thỏa hiệp với các nhà sản xuất nôn nóng kiếm tiền bằng những sản phẩm dễ dãi về nghề nghiệp. Anh có lo sợ mình sẽ khó thoát được vòng xoáy này?
- Tôi không lo sợ gì cả. Đơn giản vì tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề này và luôn chủ động kiểm soát chính mình.
Những dự định sắp tới của anh?
- Tôi đang triển khai kịch bản một bộ phim hài, dự kiến sẽ khởi quay vào cuối năm để chiếu rạp sau Tết.
Xin cảm ơn anh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!