VTV.vn - “Với Cuộc sống số, các câu chuyện sẽ mở rộng hơn rất nhiều, nó liên quan đến tất cả mọi lĩnh vực đời sống dân sinh”, nhà báo Kiều Trinh chia sẻ về điểm hẹn mới.

Cuộc sống số là gì? Nó đang ảnh hưởng như thế nào tới đời sống hàng ngày của mỗi người? Những câu hỏi này cũng chính là chủ đề trong  số phát sóng đầu tiên của chương trình mới mang tên Cuộc sống số. Chương trình do Phòng Văn hóa, Ban Thời sự, Đài THVN thực hiện, chính thức lên sóng vào khung giờ 11h05, thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần trên kênh VTV1, bắt đầu từ ngày 2/3.

SỐ ĐANG LEN LỎI VÀO TỪNG NGÕ NGÁCH TRONG ĐỜI SỐNG MỖI NGƯỜI

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính  phủ Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Việt Nam, chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp đã từng bước tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...

Chuyển đổi số cũng là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với "thách thức kép" - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.

Cuộc sống số: Dân sinh, gần gũi và nhân văn - Ảnh 2.

Sau 4 năm phát sóng, Quốc gia số được đánh giá là chương trình có nội dung chất lượng tốt, kiến thức bao quát truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát thực tiễn. Qua đó, đã hoàn thành mục tiêu truyền thông hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.

Theo Thông báo 331/TB-VPCP tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30/11/2021, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Các nội dung trong chương trình Cuộc sống số được xem như là sự nối tiếp của Quốc gia số để phù hợp với các tiêu chí, nhiệm vụ và mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Chia sẻ về sự ra đời của Cuộc sống số, nhà báo Kiều Trinh - Trưởng phòng Văn hóa, Ban Thời sự, Đài THVN cho biết: "Số đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ cách chúng ta ăn mặc, mua bán, trò chuyện giao tiếp, thậm chí là thưởng thức nghệ thuật, quảng cáo bán hàng, truyền thông cũng đều liên quan đến số. Giờ tất cả mọi hoạt động chỉ cần một mã QR, như đến một hội thảo, chỉ cần quét mã QR là nắm được tất cả thông tin của hội thảo đó, dùng mã QR ra sân bay, vào cửa hàng check-in. Trong hai năm dịch COVID-19, chúng ta lại càng thấy được giá trị của cuộc sống số, nó là không chạm, là giao tiếp, bán hàng, giao thương không chạm. Tôi nghĩ đó cũng là điều nên có trong cuộc sống của chúng ta".

Cuộc sống số: Dân sinh, gần gũi và nhân văn - Ảnh 4.

Nhà báo Kiều Trinh cho biết, với một cuộc sống số rất đa chiều, chương trình sẽ mang tới cho khán giả truyền hình nhiều lát cắt, nhiều góc độ, từ Chính phủ số, Chính quyền số, Kinh tế số đến Công dân số và Xã hội số. Trong đó, Công dân số và Xã hội số thể hiện rất rõ nét, sinh động hơi thở cuộc sống số.

"Trước đây, chúng tôi đã từng có 4 năm làm chương trình Quốc gia số. Nhưng với Cuộc sống số, sẽ mở rộng hơn rất nhiều, nó liên quan đến tất cả mọi lĩnh vực đời sống dân sinh. Không chỉ là câu chuyện thành phố thông minh, kết nối liên thông dữ liệu, các ứng dụng số kết nối chính quyền với người dân, nền tảng số để thúc đẩy kinh doanh, thương mại điện tử, mà còn lại câu chuyện nhịp sống số đang len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống của người dân, từ thành thị tới nông thông, từ miền xuôi đến miền ngược, từ người nông dân bán nông sản đến các doanh nghiệp khởi nghiệp số. Nghĩa là, ai cũng nhìn thấy mình trong chương trình này. Và đó là định vị chương trình Cuộc sống số của của chúng tôi. Đây cũng là chương trình mới của Ban Thời Sự, Đài THVN đồng hành với chiến lược chuyển đổi số quốc gia", nhà báo Kiều Trinh nói.

DÀNH CHO MỌI ĐỐI TƯỢNG KHÁN GIẢ, AI CŨNG CÓ THỂ NHÌN THẤY MÌNH Ở ĐÓ

Với thời lượng 10 phút/số, mỗi số phát sóng của Cuộc sống số sẽ có 3 phần nội dung: Nhịp sống công nghệ, Câu chuyện số và Ý tưởng số. Theo đó, trong phần Nhịp sống công nghệ, chương trình mang tới những thông tin nổi bật về công nghệ trong nước và quốc tế trong tuần.

"Chúng tôi nghĩ rằng trong đời sống của chúng ta, mảng Công dân số, Xã hội số vẫn chưa được nhắc nhiều, trong khi nó chi phối rất nhiều đến thế hệ trẻ hiện này. Nhiều đứa trẻ bắt chước hành vi nguy hiểm trên mạng xã hội như tự tử, cách người ta nhìn về mạng xã hội chỉ có điều xấu cũng chưa hẳn là đúng", nhà báo Kiều Trinh cho hay.

"Món ăn" chính của Cuộc sống số chính là Câu chuyện số. Nhiều chủ đề sẽ được đề cập trong phần nội dung này từ số đang thay đổi cuộc sống thế nào, đến cơ hội kinh doanh trên thế giới số, ứng dụng số kết nối chính quyền với người dân, đến câu chuyện văn hóa ứng xử trên mạng, lừa đảo trực tuyến, rèn luyện kỹ năng số... những lát cắt ấy sẽ được đưa ra "mổ xẻ" trong chương trình. Theo nhà báo Kiều Trinh, Câu chuyện số sẽ tập trung vào 3 vấn đề chính, đó là Chính phủ số, Kinh tế số và Công dân số. Với mỗi hướng phát triển nội dung, chương trình cũng sẽ tiếp cận được những vấn đề rất mới, được xã hội quan tâm, có sức ảnh hưởng đến người xem. Không chỉ vậy, cách thức thể hiện cũng được biến hóa đa dạng, từ tiêu điểm đi sâu một vấn đề, chùm phóng sự hoặc chùm phỏng vấn, hay phần trình bày của MC kết hợp đồ họa.

Cuộc sống số: Dân sinh, gần gũi và nhân văn - Ảnh 6.

Với phần cuối – Ý tưởng số, chương trình đưa ra một ý tưởng về công nghệ đang nhận được sự chú ý hoặc trải nghiệm một công nghệ mới đang được mọi người quan tâm, với hình thức thể hiện linh hoạt. Tuy nhiên, nhà báo Kiều Trinh cũng khẳng định, bố cục chương trình hoàn toàn có thể thay đổi tùy thuộc nội dung số phát sóng.

"Chẳng hạn như với hai số đầu tiên, chúng tôi sẽ không có cụm tin tức mà toàn bộ chương trình là một chủ đề lớn được trình bày bởi nhiều cấu phần (phóng sự, clip, chùm phỏng vấn, trải nghiệm thực tế của các MC với đồ họa). Bởi chúng tôi muốn những số đầu tiên khán giả tiếp cận với chương trình sẽ phần nào hình dung chương trình Cuộc sống số như thế nào. Hai chủ đề được đề cập trong hai số đầu tiên này cũng đang được nhiều quan tâm, một là số đang là một phần tất yếu của cuộc sống chúng ta. Thứ hai là không gian số đang là mảnh đất màu mỡ cho các dự án kinh doanh, đặc biệt giới trẻ rất nhanh nhạy. Đó là những câu chuyện, chủ đề hay, gần gũi với tất cả mọi người, bởi chúng ta thấy người nông dân nhiều miền quê đã biết dùng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, kết nối phân phối sản phẩm, và đi đâu cũng thấy mã QR (từ bà bán rau đến anh lái xe taxi).  Cuộc sống số còn vô cùng nhiều thứ lớn hơn như Dữ liệu lớn, Blockchain cho đến nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, trường học số…", nhà báo Kiều Trinh chia sẻ.

Cuộc sống số: Dân sinh, gần gũi và nhân văn - Ảnh 7.

"Giờ các bạn trẻ tiếp cận thông tin, tương tác trên không gian số nhiều hơn. Những thứ truyền thống như truyền hình, báo in, sách họ ít xem mà chuyển dịch trên số nhiều hơn. Họ xem tin tức, truyền hình, phim, video, MV cũng trên mạng, đọc sách trên mạng, trò chuyện trên mạng… do đó, chúng tôi đang hướng tới đối tượng khán giả trẻ, đặc biệt là các em thành niên, các bạn trẻ, là lứa tuổi đang hình thành nhân cách và cũng là chủ thể tương lai của công cuộc chuyển đổi số. Nếu làm tốt được điều này, chúng ta sẽ gieo được những mầm xanh, hạt lành trên không gian số, sẽ hình thành nên những công dân số trí thức, văn hóa, văn minh", nhà báo Kiều Trinh nói tiếp.

"Bấy lâu nay, đâu đó, chúng ta chứng kiến nhiều hình ảnh, ứng xử chưa đẹp, nó cũng có nguyên nhân một phần từ những nội dung lệch lạc, clip câu view, câu like trên mạng. Nếu không định hướng cho các bạn trẻ đâu là chân – thiện – mỹ, đâu là những thứ tiêu cực thì có thể họ sẽ bị chìm trong bể thông tin khá là "hỗn loạn" trên không gian số. Đó là nhiệm vụ của VTV nói riêng và báo chí nói chung, nắn dòng thông tin, lấy cái đẹp dẹp cái xấu".

Cuộc sống số: Dân sinh, gần gũi và nhân văn - Ảnh 8.

Lựa chọn những chủ đề dân sinh, Cuộc sống số sẽ có cách đặt vấn đề, thể hiện gần gũi, dễ hiểu. Đây là khẳng định từ nhà báo Kiều Trinh – Tổ chức sản xuất của chương trình.

"Chương trình sẽ rất dễ tiếp cận, từ cách MC đặt vấn đề, cách thể hiện phóng sự toàn bộ là những câu chuyện của đời sống, không phải những công nghệ cao siêu gì" – nhà báo Kiều Trinh nói – "Từ văn phong viết, nói, cách xử lý đồ họa, tiếp cận vấn đề đều rất dân sinh. Chúng tôi đã yêu cầu các thành viên trong ê-kíp sản xuất làm thế nào để tất cả mọi người đều hiểu chương trình của chúng ta đang nói gì, hiểu được thông điệp của chương trình. Từ bà nông dân, người bán hàng đến anh lái xe, học sinh, sinh viên,  từ thành phố đến miền quê đều phải hiểu được, đó cũng là nhiệm vụ của chúng tôi. Đó cũng là nhiệm vụ của truyền hình, bởi truyền hình là hướng đến khán giả đại chúng".

Bên cạnh việc ghi hình trong trường quay, Cuộc sống số sẽ được ghi hình tại hiện trường rất nhiều, để thấy được chuyển đổi số đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta như thế nào. Và tại đây, vai trò của các MC sẽ được thể hiện một cách rõ nét. Hai gương mặt dẫn chương trình Cuộc sống số là BTV Việt Hà và BTV Bá Minh, vốn đã được khán giả truyền hình biết đến thông qua các bản tin thời tiết trên sóng VTV.

Cuộc sống số: Dân sinh, gần gũi và nhân văn - Ảnh 9.

"Chúng tôi muốn, tương lai, hai MC cũng tham gia vào quá trình tư duy ý tưởng, kịch bản, bởi họ cũng chính là đối tượng chính của chương trình, thế hệ GenZ" – nhà báo Kiều Trinh nói tiếp – "Đối với công tác tổ chức sản xuất, việc họp nhóm, trao đổi, phát huy ý tưởng của các thành viên trong ê-kíp - đặc biệt là từ kíp trưởng - rất quan trọng. Mỗi số phát sóng đều phải có những sáng tạo không ngừng, đổi mới từ phía người làm chương trình. Ê-kip sản xuất có nhiều bạn rất sáng tạo như Linh Chi, Thu Hà, Thế Hùng, và những bạn làm công nghệ khá lâu năm là Việt Linh, Hà Bình. Và chúng tôi sẽ quảng bá, đưa các clip, best cut lên các nền tảng số để lan tỏa hơn nữa'.

Nói về thông điệp ê-kíp sản xuất muốn gửi gắm tới khán giả qua chương trình Cuộc sống số, nhà báo Kiều Trinh cho biết, trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, một yếu tố quan trọng là cần thay đổi nhận thức, tư duy và hành động của mỗi người dân. Khi người dân chung tay, chúng ta mới hình thành được thế hệ công dân số, đồng hành với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.

"Một chức năng nữa của báo chí là bên cạnh thông tin, định hướng thông tin còn là giáo dục với tính nhân văn. Chúng tôi cũng mong muốn, cùng với chương trình Góc nhìn văn hóa phát sóng từ thứ 2 đến thứ 6, và hai số cuối tuần cùng khung giờ là Cuộc sống số (Thứ bảy, Chủ nhật), chúng ta dần hướng mỗi người dùng mạng xã hội đến những hành xử văn hóa, hạn chế, loại bỏ những điều chưa đẹp, lan tỏa những giá trị nhân văn, việc làm tử tế, những dự án truyền cảm hứng trên cả không gian số và không gian thực. Đó là cách Cuộc sống số sẽ làm", nhà báo Kiều Trinh kết lại.

Cuộc sống số sẽ phát vào khung giờ 11h05 thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV1, bắt đầu từ ngày 2/3. Mời quý vị và các bạn đón xem!
Minh Trang
Đức Long, Hải Hưng



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước