VTV.vn - Chương trình “Lời Người để lại” sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 30/8 trên hai kênh VTV1 và VTV4.

Trước lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta "mấy lời để lại", "tóm tắt vài việc", đã trở thành Di chúc thiêng liêng thể hiện tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Người với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam. 

Mặc dù, Người khiêm nhường viết: "Tôi để lại mấy lời này cho đồng bào, đồng chí", nhưng Di chúc là văn kiện lịch sử đặc biệt. Tư tưởng chủ đạo bao trùm trong Di chúc là: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", hòa bình, thống nhất, dân chủ và dân giàu, nước mạnh; tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vì hạnh phúc của con người. 

Di chúc của Người dù chỉ vỏn vẹn 1000 từ, nhưng chứa đựng nội dung của một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, về Đảng, về dân, về nước, về quốc tế, về việc riêng của Người. Đồng thời, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, định hướng cho bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong tương lai, mà mục tiêu cao nhất là hướng tới quyền làm chủ và hạnh phúc của nhân dân.

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

(Ảnh tư liệu)

LỜI NGƯỜI ĐỂ LẠI...

Đúng 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, Bác bắt đầu viết những dòng để lại.

Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều tên gọi, bí danh hay bút danh với nhiều tác phẩm khác nhau qua từng thời kỳ. Bản di chúc được Bác cẩn thận đánh máy và viết tay chỉnh sửa nhiều lần là bút tích cuối cùng Người để lại cho dân tộc, cho đất nước, gửi trọn tình yêu thương, lời huấn thị cuối cùng.

Di chúc là một trong 5 'bảo vật' quốc gia của Bác để lại, là 'di sản to lớn' Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta...

Di chúc là văn bản kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp thể hiện tầm vóc ý chí của một con người, một nhân cách lớn "đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta". Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh 55 năm sau vẫn nguyên giá trị thời đại.

Một trong những giá trị lớn nhất của di chúc của Bác đó là HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI. Di chúc như một văn kiện, cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần ĐỔI MỚI.

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 5.

(Ảnh tư liệu)

Người nhắc nhớ về vấn đề căn cốt nhất bảo đảm cho Đảng xứng đáng với vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm quyền đó chính là xây dựng Đảng, chăm lo đời sống nhân dân, bồi dưỡng xây dựng thế hệ thanh niên - thế hệ kế tiếp. Xây dựng con người với đạo đức, văn hoá chính là hạt nhân, là trung tâm để hiện thực hoá di chúc, hướng tới mục tiêu: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". 

55 năm qua, toàn Đảng toàn quân ta trên dưới một lòng kiên định và trung thành với lý tưởng cách mạng, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc thiêng liêng của Người. 55 năm qua, Di chúc của Bác Hồ luôn soi rọi, chiếu sáng, dẫn dắt cả dân tộc ta đoàn kết một lòng, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại, giương cao lá cờ thắng lợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.

Trong chương trình "Lời Người để lại" - chương trình đặc biệt được VTV thực hiện nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác và 55 năm ngày mất của Người - được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 30/8 trên kênh VTV1 và VTV4, những người thực hiện hy vọng chương trình này sẽ giúp công chúng đại chúng tiếp cận và hiệu một cách rõ ràng, dễ hiểu về những điều Người để lại cho chúng ta, thế hệ sau này.

'MUỐN KHÁN GIẢ TIẾP CẬN TRỌN VẸN DI CHÚC CỦA BÁC'

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 7.

Trong lời đầu bản Di chúc công bố năm 1969, Bác Hồ viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” và “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Điều đó đã thành hiện thực vào ngày 30/04/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta được thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà.

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 9.

(Ảnh tư liệu)

Di chúc - Lời người để lại không chỉ là "quốc bảo" một trong 5 Bảo vật Quốc gia của Người, mà còn là chỉ dẫn hành động cho Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự kết tinh tinh thần tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hi sinh vì nước vì dân; vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi.

Trò chuyện với Thời báo VTV trước ngày lên sóng trực tiếp, BTV Trần Xuân của Ban Truyền hình đối ngoại, người chịu trách nhiệm chính về kịch bản chương trình "Lời Người để lại", cho biết những người thực hiện đã sẵn sàng được mang chương trình đặc biệt này đến với khán giả xem truyền hình.

"Đây là một trong những chương trình trọng điểm của Ban Truyền hình đối ngoại, nên lần này, chúng tôi đã huy động hết nhân lực của mình để cùng nhau làm" - BTV Trần Xuân nói về sự chuẩn bị cho chương trình lần này - "Lực lượng những người thực hiện rất hùng hậu, đặc biệt là ở nhóm làm nội dung. Chúng tôi đã lên kịch bản từ rất sớm, chuẩn bị rất kỹ càng. Chúng tôi có 4-5 tháng chuẩn bị trước khi chương trình chính thức đến với khán giả".

'Sẽ có nhiều chuyên gia và những nhân chứng lịch sử rất đặc biệt xuất hiện trong chương trình Lời Người để lại'.

BTV Trần Xuân.

Ban Truyền hình đối ngoại đã làm rất nhiều phim và chương trình về Bác Hồ. Khối tài liệu về Người của Ban được biết là rất phong phú và đồ sộ. Vậy đây có phải lợi thế của các chị khi làm chương trình lần này?

- Tôi nghĩ đó đúng là lợi thế của chúng tôi. Chúng tôi có những chuyên gia đầu ngành về Bác và họ đã thường xuyên cố vấn cho chúng tôi trong những chương trình lớn như VTV Đặc biệt chúng tôi làm trước đây. Bên cạnh sự tư vấn đến từ những nhà chuyên môn, chúng tôi còn có khối tư liệu dày dạn, những tư liệu quý giá về Bác mà các anh chị đồng nghiệp thu thập được trong quá trình tác nghiệp. Những tư liệu ấy có thể nói là một lợi thế không nhỏ cho chúng tôi khi làm chương trình lần này.

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 11.

Tiến sĩ Trần Lê Hưng - Giảng viên Đại học Gustave Eiffel tại Paris - gặp gỡ Giáo sư sử học Pháp Daniel Hémery, 92 tuổi - Tác giả sách " Hồ Chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam". (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những chương trình về Bác đã được làm rất nhiều.Vậy làm chương trình về Bác như vậy, áp lực cũng như cái khó của ê-kíp lần này là gì?

- Đề tài về Bác là một đề tài rất khó làm, rất kinh điển và rất nhiều người đã làm rồi. Bên cạnh đó, những hình ảnh tư liệu về Bác thì cũng chỉ có như thế thôi nên rất khó để chúng tôi tìm ra cái gì mới hay cái gì đó thật sự đột phá. Chúng tôi vẫn phải chuẩn chỉ về nội dung nhưng chúng tôi cũng phải tìm được cái mới trong những điều đó. 

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 12.

BTV Trần Xuân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lúc đầu, chúng tôi rất trăn trở là mình sẽ tìm cách tiếp cận nào, hướng đi nào cho chương trình lần này? Và sau đó, chúng tôi quyết định chọn tên chương trình là Lời người để lại. Và chủ thể của chúng tôi ở đây chính là những lời trong di chúc của Bác. 

Chương trình mong muốn sẽ giúp khán giả đại chúng hiểu một cách trọn vẹn về hoàn cảnh ra đời của di chúc với những chi tiết sâu sắc mà chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm qua từ chữ, từng từ mà Người suy ngẫm, cân nhắc, viết, sửa chữa trong từng thời điểm lịch sử 5 năm từ năm 1965 - 1969. Khi đến với chương trình "Lời Người để lại", người xem sẽ hiểu được hoàn cảnh ra đời của di chúc rất trọn vẹn cũng như những tình cảm của Bác, rằng tại sao cứ đến mỗi dịp sinh nhật Bác lại viết di chúc trong tâm thế từ chốn bình sinh đi vào cõi trường sinh? Bác đã chuẩn bị cho sự ra đi ấy rất kỹ càng vào lúc mà sức khỏe của Bác đang tốt nhất.

Chúng tôi đã dựa vào cuốn "Càng nhớ Bác Hồ" của bác Vũ Kỳ (thư ký của Bác) để hiểu được cảm xúc và bối cảnh lúc đó như thế nào để có thể tái hiện lại trên sân khấu.

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 13.

Ê-kíp trình thực hiện phỏng vấn TS Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị có thể nói một chút về những nhân vật sẽ xuất hiện trong chương trình lần này không?

- Trong chương trình lần này chúng tôi có 2 tuyến nhân vật là những nhân chứng lịch sử, những người của thế hệ trước và tuyến nhân vật thứ 2 là những người trẻ, thế hệ tiếp nối. Tuyến nhân vật 1 rất độc đáo, họ là những cựu tù trong nhà lao Côn Đảo, Phú Quốc, khám Chí Hòa và nhờ di chúc của Bác len lỏi vào trong nhà lao, được họ đã truyền tay nhau, học thuộc và biến thành sức mạnh cho họ trong những ngày tháng trong lao tù. Câu chuyện của họ sẽ gây xúc động mạnh cho người xem.

Ở tuyến nhân vật thứ 2 - những người trẻ - sẽ cho người xem thấy thế hệ trẻ bây giờ học tập di chúc của Bác như thế nào, đã làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào. Và không chỉ có người Việt trong nước mà cả nước ngoài nữa. Những nhân vật trẻ ấy cũng rất thú vị, và qua những nhân vật này, đã cho thấy sức mạnh vượt thời gian bản di chúc của Bác cũng như sức ảnh hưởng của Người.

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 14.

Ê-kíp trong buổi ghi hình phỏng vấn PGS TS Bùi Đình Phong - Giảng viên cao cấp - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Các nhân vật của chúng tôi sẽ trải rộng từ trong nước - với 3 miền Bắc, Trung, Nam - đến quốc tế và độ tuổi cũng trải rộng. Chúng tôi đi theo tuyến tính thời gian từ lúc Bản di chúc ra đời, Bác mất... Chúng tôi cũng đi theo hồi ký của các nhân vật khác – những người tù đã bị tra tấn dã man nhưng chính bản di chúc của Người đã trở thánh sức mạnh cho họ những lúc đó. Điều này đã được họ viết trong hồi ký của mình, gây xúc động mạnh.

Có thể nói, chúng tôi cảm thấy áp lực rất lớn khi làm đề tài về Người nhưng áp lực đã trở thành động lực cho tất cả thành viên ê-kíp. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và với sự hỗ trợ của những chuyên gia nên cũng khá tự tin. Chúng tôi mong qua chương trình mình làm, khán giả sẽ thấm đẫm được những lời Bác để lại trong di chúc cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Từ đó rút ra bài học, sự chiêm nghiệm trong con đường tiếp theo của mình.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Chương trình đặc biệt Lời Người để lại - Những điều chưa biết về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 16.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước