Chúng tôi là chiến sỹ: Ý nghĩa và xúc động với những số ghi hình tại Điện Biên

Lê Hoa-Thứ hai, ngày 05/05/2014 14:00 GMT+7

Lần thứ ba đặt chân đến Điện Biên của nhóm làm chương trình Chúng tôi là chiến sỹ trùng với dịp kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên

Lần thứ ba đặt chân đến Điện Biên của nhóm làm chương trình Chúng tôi là chiến sỹ trùng với dịp kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên. Cũng chính bởi vậy, những chương trình được ghi hình tại vùng đất hoa ban lần này cũng có tính chất và quy mô hoàn toàn khác so với hai lần trước đó.

Đợt ghi hình Chúng tôi là chiến sỹ lần này không lựa chọn các đơn vị ở Trung tâm thành phố mà lựa chọn các đơn vị ở vùng sâu vùng xa, ở các điểm nhạy cảm về văn hóa, kinh tế, chính trị. Dựa trên cơ sở đấy, ban tổ chức đã chọn 2 đơn vị thuộc BCH bộ đội biên phòng Điện Biên là đồn biên phòng A Pa Chải và đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang; 2 đơn vị thuộc BCH quân sự Điện Biên là Ban Chỉ huy quân sự huyện Mường Nhé và Đoàn kinh tế quốc phòng 379. Với những đặc trưng khác nhau, mỗi đơn vị đã mang đến chương trình nhiều màu sắc đa dạng của các huyện miền núi tỉnh Điện Biên thông qua các trò chơi và tiết mục thể hiện.

‘ Các đơn vị đã mang đến nhiều màu sắc đa dạng của các huyện miền núi tỉnh Điện Biên

Chương trình Chúng tôi là chiến sỹ với đồn biên phòng A Pa Chải là chương trình mở màn cho đợt 4 chương trình về Điện Biên. Sau khi phát sóng, số về A Pa Chải đã nhận được hiệu ứng rất tốt từ phía xã hội, được Bộ Tư lệnh Biên phòng cũng như khán giả đánh giá rất cao. Theo nhóm làm chương trình, càng điểm đóng quân vùng sâu vùng xa, tính chất đặc thù của vùng đồng bào dân tộc càng được thể hiện rõ. Số của A Pa Chải đặc biệt nổi lên ý nghĩa của tình quân dân. Đồn biên phòng A Pa Chải cách thành phố Điện Biên gần 400 km. Riêng chặng leo bộ để lên được đến đồn không thể tính bằng km mà chỉ biết rằng, cả nhóm phải mất một ngày đường từ sáng sớm đến chiều tối. Trong chương trình này, nhóm thực hiện đã dàn dựng được một đội tuyên truyền viên xung kích của bản A Pa Chải gồm 15 người. Họ múa những điệu múa cùng với bộ đội về sản xuất. Tại địa phương, điệu múa được nghệ thuật hóa và được đón nhận hết sức nồng nhiệt. Đặc biệt, trong quá trình ghi hình, nhóm thực hiện đã bố trí cho nhân dân địa phương cùng tham gia nên ý nghĩa về tình quân dân càng thêm trọn vẹn. Tình quân dân được thể hiện đầy ắp trong phần hình ảnh, kể cả đơn vị lẫn trên sân khấu.

Nhắc đến A Pa Chải, không thể không nói đến những đặc thù của những người lính nơi đây. Hình ảnh những chiếc mũ lông bảo vệ sức khỏe của các chiến sỹ tuần tra biên giới ở cột mốc ngã ba, biểu tượng của người chiến sỹ biên phòng với chiếc ống nhòm, một con chó nghiệp vụ hay những bông hoa ban hai MC tặng nhau trên sân khấu là những đặc trưng rất riêng của A Pa Chải. Những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng luôn được nhóm thực hiện cố gắng đưa vào để ý nghĩa của vùng miền trong chương trình được tỏa sáng. Những cô gái dân tộc, chiến sỹ dân tộc nói lơ lớ tiếng Kinh tuy không hiểu được hết phần giao lưu của MC nhưng sự hồn nhiên của họ trong phần Tình yêu chiến sỹ lại trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Khi biên tập, nhóm thực hiện cũng cố gắng đưa tất cả những nét chất phác ấy đến với khán giả mà hoàn toàn không nhờ đến bàn tay đạo diễn. Chính những nét khác biệt ấy đã làm nên một ý nghĩa sâu đậm hơn trong số chương trình Chúng tôi là chiến sỹ đặc biệt.

‘ Khán giả sẽ thiên về cảm xúc nhiều hơn khi xem chương trình về Điện Biên lần này

Mường Nhé – một địa danh hết sức nhạy cảm của nhiều năm trước – là điểm tiếp theo của nhóm làm chương trình Chúng tôi là chiến sỹ. Thông qua tình quân dân, hoạt động giao lưu kết nghĩa được hình thức hóa bằng sân khấu. Ban chỉ huy quân sự huyện Mường Nhé đã mang đến một chương trình vô cùng ấn tượng mặc dù điều kiện kinh tế tại đây vô cùng khó khăn. Nội dung chương trình Chúng tôi là chiến sỹ tại mỗi đơn vị thường được gắn với những ý nghĩa về kinh tế, chính trị ở đây. Chính vì vậy, các trò chơi tại Mường Nhé được tổ chức hết sức chân phương, lựa chọn địa điểm đặc thù của địa phương để xây dựng. Hình ảnh những người bộ đội gắn với dân, từ việc khám bệnh, dạy học cùng với dân cho đến hình ảnh của những người giữ vững ổn định kinh tế chính trị tại địa phương đã được thể hiện trong chương trình này.

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang lại là vùng đất của một sự phức tạp khác, một điểm nóng về tội phạm và buôn bán chất cấm. Tại cửa khẩu này, mỗi đồn biên phòng chỉ có 10-15 chiến sỹ và họ phải làm việc bằng ba bốn vị trí thông thường. Hỗ trợ cho lực lượng biên phòng là hình ảnh những chú chó nghiệp vụ cực kỳ thuần thục. Và nhóm làm chương trình đã sử dụng đặc thù đấy để đưa vào nội dung chương trình nhằm làm bật lên “chất” của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Đoàn kinh tế quốc phòng 379 là điểm dừng chân cuối cùng của nhóm làm chương trình Chúng tôi chiến sỹ tại Điện Biên. Đây là một đơn vị rất xa xôi, giáp biên giới Lào. Đoàn kinh tế quốc phòng 379 là sự kết hợp giữa việc xây dựng kinh tế và ổn định tại địa phương. Với điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, các chiến sỹ tại đây ngoài nhiệm vụ chính trị của mình còn phải tham gia hướng dẫn cho bà con trồng rừng để giữ vững và bám đất…

‘ Hai MC giao lưu với chiến sỹ và nhân dân tại Điện Biên

Khi xem các chương trình Chúng tôi là chiến sỹ tại Điện Biên lần này, khán giả sẽ thiên về cảm xúc nhiều hơn. Những cảm nhận trên sân khấu có thể không giống với các đơn vị ở đất liền. Nhóm làm chương trình cho biết, họ không khai thác những nét khỏe khoắn, tính kỷ luật cao. Ngược lại, với các chương trình tại Điện Biên, ê kíp lại cố gắng khai thác nét hồn nhiên, tính địa phương vùng miền. Những món quà rất chân chất của chiến sỹ Điện Biên như những nhánh hoa ban, những khúc khèn lá, những điệu múa Mông, những tiếng hú, những tiếng động ở rừng núi… là nét cực kỳ khác biệt và cũng là điểm nhấn để nhóm thực hiện khai thác vào chương trình.

Đặc biệt, phần Nhật ký chiến sỹ sẽ mang đến cho người xem những cuộc gặp gỡ rất cảm động. Có những câu chuyện mà nhóm thực hiện phải tính đến 4 ngày hai nhân vật mới gặp nổi nhau. Họ phải giữ sự bí mật ấy đến cùng để khai thác được cảm xúc của nhân vật và cả người xem. Những câu chuyện về giải phóng Điện Biên được khai thác rất cảm động và tốn nhiều nước mắt của người trong cuộc và ê kíp thực hiện. Không thể không kể đến cách dàn dựng và sự cố gắng gấp bội của ê kíp so với các chương trình ở đất liền. Đi vào vùng điểm xa không có điện để sạc pin, thậm chí anh em trong đoàn mang mì tôm theo dọc đường để tác nghiệp. Họ đã chẳng khác nào những phóng viên chiến trường thực sự ba cùng với bộ đội. Và những vất vả, nỗ lực của họ đã được “đền đáp” bằng những chương trình đầy ý nghĩa và xúc động trên sóng truyền hình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước