Tập 5 Cha mẹ thay đổi đến với hoàn cảnh gia đình của chị Nga, anh Dũng sống tại Nam Định. Chị Nga và anh Dũng làm nghề kinh doanh. Dù công việc rất bận rộn nhưng cả hai luôn quan tâm và kỳ vọng rất nhiều ở các con.
Chị Nga cho biết việc kinh doanh rất áp lực, vất vả nên chị muốn hai con của mình học giỏi thành tài để không tiếp tục làm công việc như của cha mẹ. Chính vì thế, chị Nga rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con.
"Tôi muốn rèn luyện nghiêm khắc cho con từ bé. Bởi khi lớn lên nếu con không được ở bên bố mẹ nữa thì các con vẫn đủ bản lĩnh, mạnh mẽ, lập trường được gia đình dạy bảo khi còn nhỏ", chị Nga chia sẻ.
"Tôi rất ghét nói dối vì vậy chỉ cần hai đứa nói dối dù 1 cái kẹo thôi là tôi đã nổi điên và đánh con cực kỳ tàn bạo".
Bên cạnh đó, anh Dũng cũng đồng tình với phương pháp giáo dục con của chị Nga: "Lần thứ nhất có thể nói nhẹ. Lần thứ 2 có thể nói nhẹ nhưng lần thứ 3 bố mẹ nói không nghe thì chắc chắn các con sẽ bị ăn đòn".
Thế nhưng, khi nghe những lời tâm sự của đứa con gái 9 tuổi, chị Nga nhận ra mình cần phải thay đổi. Bởi chị càng nghiêm khắc, càng đánh con thì các con lại càng muốn xa lánh chị.
"Con muốn mẹ thay đổi, đừng suốt ngày nhìn vào chiếc điện thoại nữa. Mẹ cũng đừng gây áp lực với con như thế. Những áp lực của mẹ chỉ làm con khó chịu chứ không thể làm con cố gắng lên. Con không muốn gia đình mình suốt ngày cãi nhau như thế. Con muốn gia đình mình luôn hòa thuận", bé Bim vừa nói vừa khóc.
Theo Giáo sư Pek Cho - chuyên gia trong việc giáo dục và tư vấn cảm xúc của trẻ - cho biết cách giáo dục con của chị Nga gặp nhiều vấn đề.
"Tôi biết bạn muốn con mình khi trưởng thành sẽ trở nên mạnh mẽ vì bạn biết bên ngoài kia cuộc sống rất khắc nghiệt. Nhưng mạnh mẽ không có nghĩa là bạn cứng rắn với con. Bởi bạn nên nhớ khi cứng rắn thì cũng là lúc bạn dễ bị bẻ gãy. Một người mạnh mẽ phải là một người kiên cường. Kiên cường có nghĩa là bạn có khả năng quan sát được những cú sốc", Giáo sư Pek Cho dành lời khuyên cho chị Nga.
Khi được tham gia các khóa học trong chương trình Cha mẹ thay đổi, chị Nga không chỉ được học kỹ năng làm cha mẹ mà còn được nghe những thông tin khoa học về tâm lý trẻ em.
Chị Nga cho biết bản thân sẽ cố gắng kiểm soát cơn nóng giận của mình và hạn chế dùng đòn roi với con. Việc đặt mình vào hoàn cảnh của con, biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông với con cũng là cách để chị Nga và các con trở nên thân thiết hơn.
"Bình thường tôi nghĩ cứ vụt cho nát chân là con sẽ không phạm sai lầm nữa nhưng bây giờ trước khi chị đối diện với tình huống ấy, tôi sẽ phải hít một hơi thật sâu, hạ cảm xúc của mình đang bốc hỏa trên đầu xuống, chọn một ngữ điệu phù hợp, một ngôn ngữ phù hợp để nói chuyện với con. Điều đó cũng giúp mình giảm tình trạng bực dọc, mệt mỏi trong con người xuống", chị Nga chia sẻ.
Bên cạnh đó, chị Nga cũng cố gắng thay vì đòn roi sẽ dùng lời lẽ nhẹ nhàng khuyên răn con và cố gắng hiểu tâm lý, nguyện vọng của trẻ để có thể dễ dàng thuyết phục con. Trẻ em cần có môi trường sống hạnh phúc, bắt đầu từ chính ngôi nhà thân yêu của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!