Cách đây tròn 70 năm, sau khi Hiệp định Genève được ký kết (năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược, đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nhằm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này. Từ cuộc tập kết ra Bắc lịch sử đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí của mỗi người dân Việt Nam, họ sẵn sàng hi sinh bản thân, gia đình, cống hiến vì sự nghiệp chung của đất nước; thể hiện tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà của dân tộc ta, đất nước ta.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm sự kiện đặc biệt này, Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp thực hiện chương trình cầu truyền hình "Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng" tại 3 điểm Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa. Chương trình ghi nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc, với những cống hiến, những hy sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình, độc lập hạnh phúc và phồn vinh của dân tộc; đồng thời, nêu bật ý nghĩa của sự kiện Tập kết ra Bắc đánh dấu một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử góp phần cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Quyết định đưa cán bộ, chiến sỹ và con em đồng bào miền Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng cho việc xây dựng miền Bắc, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam, khẳng định tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà, dân tộc Việt Nam là một. Chương trình cũng góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và nâng cao vị thế, uy tín của thành phố đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhà báo - đạo diễn Nguyễn Hoàng Long, Phó Giám đốc Trung tâm Phim tài liệu, Đài THVN cho biết, cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng sẽ là hành trình nhìn lại dấu mốc lịch sử của dân tộc, ở đó có những cống hiến, những hy sinh tạo nên nền độc lập, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc. Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời. Và những giá trị thiêng liêng của sự kiện ấy vẫn còn hiện hữu trên con đường xây dựng sự nghiệp của dân tộc ta đến ngày hôm nay.
Nhà báo - đạo diễn Nguyễn Hoàng Long, Phó Giám đốc Trung tâm Phim tài liệu, Đài THVN
“Cầu truyền hình hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, đặc biệt với những người có người thân từng tham gia cuộc di chuyển lịch sử này. Với chính những người thuộc thế hệ sau, dù không trực tiếp tham gia sự kiện ấy vẫn có thể thấy mình ở trong đó, bởi chính họ đang được thừa hưởng những giá trị do quyết định lịch sử đó mang lại” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Long cho biết - “Chương trình cầu truyền hình Tình sâu nghĩa nặng như lời tri ân của thế hệ sau đến thế hệ trước, cũng là một lời nhắc nhở bản thân mỗi cá nhân nỗ lực hơn để cống hiến cho quá trình phát triển của đất nước”.
Với 3 chương nội dung gồm: Khát vọng thống nhất, Một dài sắt son và Rạng danh Việt Nam, chương trình chính luận nghệ thuật Tình sâu nghĩa nặng đưa khán giả gặp gỡ rất nhiều con người đã sống và trải qua giai đoạn lịch sử đó của đất nước. Đó là những người chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc giờ đã trở thành những vị tướng quân đội khi về hưu; là những người học sinh miền Nam khi ấy chỉ 10 tuổi giờ đã là những người ông, người bà ở tuổi 80 tuổi nhưng ký ức của họ về những năm tháng sống trong tình yêu thương người miền Bắc chưa bao giờ phai.
Theo đó, nhiều câu chuyện ít người biết sẽ được chia sẻ trong chương trình, như câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Thanh Bảy và bà Nguyễn Thị Thu Hường – những người em vợ của đồng chí Phan Trọng Tuệ. Dù không thuộc diện đi tập kết, nhưng họ vẫn xung phong lên đường, chấp nhận xa gia đình, quê hương để ra với đồng bào miền Bắc. Hay câu chuyện của Thiếu tướng Trần Văn Niên, chàng chiến sĩ 21 tuổi tập kết ra Bắc, sau đó được trở về miền Nam chiến đấu trên con tàu 0 số huyền thoại vào năm 1963. Trải qua hơn 3000 trận chiến, từng vào sinh ra tử, nhưng ông không quản ngại để đóng góp cho Đại thắng mùa xuân 1975. Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình, trở về giữa đời thường, ông tiếp tục phát triển kinh tế để hỗ trợ bà con nông dân thoát nghèo.
Đặc biệt là câu chuyện của gia đình bác sĩ Huỳnh Văn Muôn và vợ là Huỳnh Thị Kim Nở. Khi đến tác nghiệp tại gia đình, e-kip đã rất xúc động, bởi trong căn nhà nhỏ của bác sĩ chất chứa biết bao ký ức về những năm tháng sống trên đất Bắc của hai ông bà. Những tấm ảnh về thời học trên đất Bắc, những cuốn hồi ký được bày kín căn nhà. Đó là tình cảm sâu nặng giữa hai vợ chồng khi người vợ dù mắc bệnh tim, vẫn cố giấu đi căn bệnh của mình để cùng chồng vượt rừng Trường Sơn để trở về miền Nam chiến đấu, bảo vệ quê hương.
BTV Chu Tùng, Trung tâm Phim tài liệu, Đài THVN
Thời gian trôi qua, đến năm 2022, bác sĩ Huỳnh Văn Muôn qua đời, dọn dẹp lại căn phòng của ông, các con tìm thấy những đồ vật, dụng cụ khám chữa bệnh của ông suốt thời kỳ đi B. Trên chiếc hộp cũ đó khắc dòng chữ “Thương nhớ em”. Giờ ông ra đi, bà Huỳnh Kim Nở nhìn đâu cũng thấy nhớ ông. Chiếc hộp đó như cách để bà vơi đi nỗi trống trải trong lòng. Tù chiếc hộp kỷ vật đó, gia đình nhen nhóm lên ước nguyện được tìm lại những kỷ vật xưa của bác sĩ Huỳnh Văn Muôn để lại trên đất bắc trước khi lên đường đi B.
“Thách thức lớn nhất của ekip khi thực hiện chương trình là làm sao để đem đến cảm xúc mãnh liệt nhất cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Với những người ông, người bà của chúng ta đã từng trải qua giai đoạn lịch sử này, họ sẽ thấu hiểu, đồng cảm khi được xem lại những thước phim, những phần âm nhạc sống mãi theo thời gian. Vậy với những người trẻ, làm sao để họ hình dung ra sự chia xa của cả một dân tộc, làm sao để họ thấm thía được nghĩa đồng bào và thấy tự hào về tầm nhìn cũng như những quyết sách đúng đắn của Đảng ta. Với những băn khoăn đó, chúng tôi cố gắng kể câu chuyện một cách dung dị và xúc cảm, kết hợp mượt mà giữa những phóng sự hòa trong không khí của âm nhạc”, BTV Chu Tùng, Trung tâm Phim tài liệu, Đài THVN chia sẻ.
BTV Chu Tùng chia sẻ tiếp: “Khi nhận được nhiệm vụ này, tôi rất vui vì được lãnh đạo tin tưởng giao phó và cũng coi đây là một dịp để mình được học hỏi, được lắng nghe những câu chuyện lịch sử một cách chân thật nhất qua các nhân chứng. Được gặp gỡ nhiều nhân vật, chứng kiến những giây phút họ trực trào nước mắt kể về câu chuyện chia xa người thân, được đồng bào miền Bắc đùm bọc yêu thương như anh em ruột thịt, tôi cũng vô cùng xúc động. Được tham gia sản xuất chương trình, là một người trẻ, tôi tự hào khi có thể là một viên gạch để kết nối những câu chuyện lịch sử với lớp khán giả trẻ ngày nay. Hy vọng, khán giả khi xem chương trình sẽ có thêm những cảm xúc tự hào về một tinh thần Việt Nam luôn rực sáng ở mọi thế hệ”.
Các ekip sản xuất của TT Phim tài liệu, Đài THVN đã đến nhiều địa phương để gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.
Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng sẽ diễn ra tại 3 điểm cầu: Tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc” (Cà Mau); Tượng đài "Con tàu Tập kết ra Bắc" (Thanh Hóa) và Nhà hát lớn Thành phố Hải Phòng. Đặc biệt, với hai điểm cầu ở Cà Mau và Hải Phòng, đây chính là nơi đã chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng này. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long tiết lộ, sân khấu lớn ngoài trời tại các điểm cầu sẽ được thiết kế tạo điểm nhấn về thị giác cho khán giả.
Đặc biệt, những màn trình diễn nghệ thuật là một phần quan trọng trong chương trình, là sợi dây kết nối tiếp thêm những mạch nguồn cảm xúc cho khán giả sau mỗi câu chuyện. Ekip sản xuất đã lựa chọn nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau để thể hiện trên sân khấu, như hoạt cảnh, vũ kịch, ca nhạc….
Các điểm cầu tổng duyệt chương trình trước ngày lên sóng trực tiếp. Những màn trình diễn được đầu tư công phu, hoành tráng với sự tham gia đông đảo nghệ sĩ, quần chúng nhân dân.
Mỗi điểm cầu sẽ mang một sắc màu khác nhau. Nếu ở Cà Mau là những bài hát mang đậm chất trữ tình, quê hương Nam bộ, ở Thanh Hoá là không khí sôi nổi với chất nhạc mộc mạc thì Hải Phòng mang sắc màu cổ điển với dàn nhạc dây và hợp xướng trong các tiết mục.
Là điểm cầu chính của chương trình kỷ niệm 70 năm Tập kết ra Bắc, khối lượng công việc mà e-kip Trung tâm Phim tài liệu tại Cà Mau cần chuẩn bị, các tiết mục phải tập luyện cũng nhiều hơn. Theo BTV Tuấn Anh, hơn 50 phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật viên của VTV đã có mặt tại điểm cầu Cà Mau (Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) trước một tuần để làm việc và chuẩn bị chu đáo trước giờ lên sóng trực tiếp. Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công tác đã hoàn tất.
Thanh Hoá - địa điểm được chọn là một trong những điểm đầu tiên đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam - đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những người đến. Dẫu 70 năm đã qua nhưng những thành viên Đội thiếu niên Chim hoa bình (Thanh Hoá) vẫn nhớ như in từng lời cổ động, từng bài thơ đã đọc khi đón đồng bào miền Nam. Vừa bước ra khỏi chiến tranh, lại chịu ảnh hưởng từ thiên tai nhưng đất và người Thanh Hóa đã mang hết tấm lòng, sức lực để cưu mang đồng bào miền Nam.
Thành phố Hải Phòng đã có sự phối hợp tích cực trong việc tổ chức chương trình với nguồn kinh phí lớn để lắp đặt âm thanh, ánh sáng, màn led, sân khấu… Đồng thời, thành phố Hải Phòng cũng huy động lực lượng diễn viên, tốp ca, dàn nhạc giao hưởng.... để tham gia sự kiện đặc biệt này. Theo BTV Minh Phương, tại điểm cầu Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng sẽ có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, số lượng diễn viên đông đảo, mang màu sắc sang trọng và ấm cúng.
Bên cạnh đó, hướng đến sự lan tỏa của chương trình đến với giới trẻ nên trong chương trình, những bài ca đi cùng năm tháng, những ca khúc bất hủ sẽ được phối lại mới hoàn toàn mang hơi thở trẻ trung, hiện đại. Chương trình cũng có sự góp mặt của những gương mặt ca sĩ trẻ như Phương Mỹ Chi, Phạm Anh Duy, Lâm Phúc… Họ sẽ thể hiện các ca khúc cách mạng theo một cách rất riêng, mang hơi thở của thời đại.
“Chúng tôi muốn truyền tải đến khán giả câu chuyện của 70 năm trước với những bài học còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Đó là bài học về sự đoàn kết, về nghĩa đồng bào sâu nặng. Nhìn lại theo dòng lịch sử, mọi thắng lợi của dân tộc ta đều bắt nguồn từ sự chung sức đồng lòng. Đất nước ta đã trải qua những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh, bão lũ, thiên tai, nhưng cũng chính bởi sự đoàn kết ấy đã giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức. Và tôi tin rằng, khi theo dõi chương trình, mỗi khán giả sẽ trân quý những giá trị, những bài học mà các câu chuyện lịch sử mang lại”, BTV Chu Tùng bộc bạch.
Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng sẽ được THTT vào 20h10 ngày 16/11 trên kênh VTV1. Mời quý vị và các bạn đón xem!
Thanh Huyền, Thu Huệ
15/11/2024 * Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!