Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ cộng sinh, đồng hành cùng phát triển

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 31/05/2024 16:13 GMT+7

VTV.vn - Theo GS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị, thực tiễn cho thấy, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh.

Tin đồn - "quả bom" công phá doanh nghiệp

Sáng 31/5, phát biểu tại Diễn đàn "Báo chính - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững", nhà báo Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tin đồn là "sản phẩm truyền thông" chưa đựng nhiều yếu tố nhiễu trong qua trình truyền thông. Mỗi lần tin đồn được truyền đi, nó lại được thêm hoặc bớt những tình tiết theo hoàn cảnh hoặc đối tượng tiếp nhận.

Nguy cơ sai lệch thông tin trong tin đồn là vô cùng lớn, dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí mất kiểm soát thông tin.

"Khi tin đồn được "chính thống hoá" trên báo chí, với sức mạnh vô biên của các các phương tiện truyền thông đại chúng, nó trở thành "quả bom" có sức công phá khủng khiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tin, danh dự của doanh nghiệp", ông Đặng Khắc Lợi nhận định.

Theo ông Lợi, tình trạng nhiều loạn thông tin trên báo chí và mạng xã hội đã đặt ra cho các cơ quan báo chí, những cá nhân tham gia hoạt động internet phải có trách nhiệm xử lý tin đồn trước khi đăng tải rộng rãi trên các các phương tiện truyền thông.

Về việc ứng xử của nhà báo trước tin đồn, nhà báo Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh việc sự cần thiết của sự kiểm chứng đối với ít nhất hai nguồn tin độc lập. Nhà báo cũng cần chú ý lắng nghe các ý kiến đa chiều, phỏng vấn từ hai phía có quan điểm trái chiều, không thể chỉ nghe ý kiến của một bên.

Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ cộng sinh, đồng hành cùng phát triển - Ảnh 1.

Nhà báo Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo ông Đặng Khắc Lợi, ngay từ năm 2013, hãng thông tấn AP đã công bố quy định hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho phóng viên. Trong đó có yêu cầu phóng viên không phát tán những tin đồng trên các trang tiểu blog (micro blog).

"Quy định này cho thấy tư duy quản lý của AP đã dự báo được cuộc khoảng niềm tin đang và sẽ xảy ra trong tương lại do sự phát triển của truyền thông xã hội", ông Lợi thông tin.

Về phía doanh nghiệp, để hạn chế sự ảnh hưởng của tin đồn, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng các doanh nghiệp cần sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin với báo chí và cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông.

"Điều quan trọng là doanh nghiệp nên thể hiện tinh thần sẵn sằng lắng nghe, hợp tác và đối thoại", ông Lợi khuyến nghị.

Khi doanh nghiệp cần nhiều hơn "4 chữ P"

Nói thêm về mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp, tại diễn đàn, GS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, một doanh nghiệp muốn thành công không chỉ làm tốt chiến lược "4P" (sản phẩm (product), giá cả (price), địa điểm phân phối (place) và hỗ trợ bán hàng (promotions), mà cần đặt mình vào mối quan hệ tổng hòa với cộng đồng để đặt lợi ích chung của xã hội làm mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp.

Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ cộng sinh, đồng hành cùng phát triển - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị

Trong mối quan hệ tổng hòa đó, nhu cầu trao đổi thông tin từ cộng đồng đến doanh nghiệp và từ doanh nghiệp đến với cộng đồng là một nhu cầu tất yếu, thường xuyên, đòi hỏi thông tin trao đổi hai chiều phải mang tính thời sự, trung thực và vì mục tiêu chung.

Thực tiễn cho thấy, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.

Cùng quan điểm, TS. Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HaNoiSME) cũng khẳng định doanh nghiệp - báo chí là mối quan hệ đồng hành, hỗ trợ, không thể tách rời cùng phát triển bền vững.

Theo ông Mạc Quốc Anh, thông qua phản ánh, báo chí còn góp phần thay đổi chính sách và xu hướng thị trường, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển bền vững. Qua báo chí, doanh nghiệp cũng cập nhật nhanh chóng nhiều chính sách, quy định, kịp thời thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp.

Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ cộng sinh, đồng hành cùng phát triển - Ảnh 3.

TS. Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và thực thi.

"Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể "chết yểu" ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí bị "khai tử" ngay trước lúc ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng", ông Kiên cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước