"Bản hòa tấu ở Sơn Đoòng": Những người điên - đồng - đều

Theo Tuoitre-Thứ hai, ngày 06/10/2014 09:53 GMT+7

Một khối thạch nhũ lớn dài hàng chục mét, có "chân" ở trần hang rộng hàng chục mét vuông đang tiếp tục dài thêm xuống nền hang - Ảnh: RYAN DEBOODT

Điên, đồng, đều - đó là những đánh giá của ê-kíp thực hiện bộ phim tài liệu "Bản hòa tấu ở Sơn Đoòng" nói về chính mình.

"Trước chuyến đi, nhiều người bảo chúng tôi có điên mới chui vào cái hang khổng lồ ấy mà làm phim. Và sau hành trình gian nan, nguy hiểm luôn cận kề kéo dài cả chục ngày, 13 thành viên của đoàn làm phim tài liệu khoa học Bản hòa tấu ở Sơn Đoòng chợt nhận ra tuy mỗi người mỗi việc nhưng chúng tôi đều rất giống nhau khi hội đủ ba chữ Đ - điên, đồng, đều".

“Hỏi Tài Văn rằng khám phá Sơn Đoòng có vất vả lắm không, cậu ấy hớn hở: Như đi chơi ấy mà! Nếu biết khái niệm đi chơi đồng nghĩa với hành xác, với luôn phải đối mặt cùng những nguy hiểm chực chờ trên từng bước chân thế này, ngay từ đầu chắc tôi không đủ dũng cảm nhận lời tham gia đoàn phim” - Anh Mai Duy Phương, chuyên gia điều khiển thiết bị bay mô hình có gắn máy quay phim (gọi tắt là flycam), vừa cà nhắc cái chân đau vừa than thở với tôi ngay sau ngày đầu tiên của chặng hành trình chinh phục Sơn Đoòng.

Chưa đi chưa biết Sơn Đoòng...

Đúng là chẳng ai có thể mường tượng nổi Sơn Đoòng ra sao, ngoại trừ đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm và quay phim chính Nguyễn Tài Văn. Nửa năm về trước, cả hai từng “bám đuôi” một tour “quý tộc” trị giá 3.000 USD/người (khoảng 63 triệu VND) để khảo sát toàn bộ hang động tự nhiên lớn nhất thế giới này.

Những trải nghiệm thực tế, những ấn tượng không thể quên về một Sơn Đoòng kỳ vĩ cùng tám du khách nước ngoài đam mê loại hình du lịch mạo hiểm đã giúp bộ phim tài liệu khoa học Bản hòa tấu ở Sơn Đoòng dần thành hình từ những nét chấm phá, phác thảo đầu tiên. Biết rất rõ, nhưng là người có kinh nghiệm nên đạo diễn chẳng hé lộ nhiều (chắc sợ người yếu bóng vía sẽ sốc), chỉ dặn dò cả đoàn: “Máy móc, thiết bị tuy rất đắt tiền nhưng an toàn con người phải đặt lên hàng đầu. Giữa máy và người, chúng ta phải ưu tiên vế thứ hai”.

Số còn lại (ba người thuộc nhóm scan 3D của anh Hoàng Kim Quang, bốn của nhóm kỹ thuật ánh sáng do anh Phạm Cao Xuân phụ trách, hai quay phim Nguyễn Đình Hoàn - Huỳnh Sĩ Cường) và tôi (“cái đuôi” của đoàn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này) đều rất mù mờ về chặng hành trình vốn được Tạp chí Địa lý Quốc gia (National Geographic Magazine) phiên bản tiếng Nga bình chọn là “Tour du lịch mạo hiểm hấp dẫn nhất thế giới năm 2014”.

Để bạn đọc dễ mường tượng, xin được mô tả hành trình gần chục ngày thám hiểm của chúng tôi ngắn gọn thế này. Từ cây số 30 đường Hồ Chí Minh, đoàn phải di chuyển khoảng 9km để tới được hang Én. Vượt qua chiều dài xấp xỉ 1,7km trong lòng hang, chúng tôi phải đi thêm 6km mới đặt chân tới cửa trước hang Sơn Đoòng.

Sau thử thách đu dây từ độ cao cỡ 80m xuống lòng hang, đoàn phải tiếp tục chinh phục siêu hang động có độ dài hơn 8km rồi tua ngược lại theo đúng lộ trình đó để trở về. Vượt qua tổng chiều dài 50km trong chín ngày, chia trung bình mỗi ngày chưa tới 6km, nghe qua thì đúng là “chuyện nhỏ”. Chúng tôi đều đã rất quen với những hành trình khám phá. Thế nhưng trí tưởng tượng, dù rất đỗi phong phú của mỗi thành viên, dường như chỉ chạm được tới cỡ... 10% thực tế.

Đoạn đường xuống hang dài cả trăm mét - Ảnh: RYAN DEBOODT

Đoạn đường xuống hang dài cả trăm mét - Ảnh: RYAN DEBOODT

Những “lần đầu” làm phim

Sơn Đoòng từng đón những đoàn làm phim thuộc các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới như National Geographic, BBC, NHK...cùng những nhiếp ảnh gia hàng đầu như Casten Peter (người Đức), John Spies (người Úc)...

Để có được những thước phim sinh động, những bức ảnh tái hiện vẻ kỳ vĩ, huyền ảo giúp đánh thức lòng đam mê “xách balô lên và đi” của đông đảo du khách quốc tế đã và đang xếp hàng dài dằng dặc đợi chờ tới lượt được chinh phục Sơn Đoòng, họ đã phải vận chuyển rất nhiều thiết bị, máy móc chuyên dụng.

Vậy mà tiến sĩ Howard Limbert, trưởng đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Thám hiểm hang động hoàng gia Anh, vẫn bày tỏ sự ngạc nhiên đầy thích thú khi nhìn vào quy mô hơn 1 tấn thiết bị của đoàn phim VTV2 (gồm tám đèn daylight, một đèn kit, bốn máy quay phim HD 500 - Nex FS 700 - Ex 3 - máy quay dưới nước, một máy scan 3D focus hiệu Faro, ba chiếc flycam... cùng những phụ kiện vô cùng lỉnh kỉnh đi kèm).

Thêm 400 lít xăng để cả tấn máy móc vận hành nhịp nhàng, vậy là để phục vụ 13 thành viên đoàn làm phim ăn, ở và tác nghiệp hang Sơn Đoòng, lúc cao điểm nhất đã phải chứa tới 87 con người (trong đó lực lượng phục vụ đã chiếm tới con số 65). “Lần đầu tôi được chứng kiến một đoàn làm phim quy mô đến thế, sử dụng những công nghệ hiện đại đến thế... để tái hiện hang động trong mơ này” - ông Howard trầm trồ.

Cũng vì lần đầu điều khiển flycam không có tín hiệu GPS, hoàn toàn chỉ trông chờ vào kinh nghiệm bao năm tích lũy, “the fly - man” Mai Duy Phương phải tác nghiệp trong điều kiện mắt nhìn tay bấm, cả người chênh vênh trên một mỏm đá rất hẹp giữa lô xô đá hộc, đá tai mèo sắc nhọn xung quanh.

Với nhóm kỹ thuật ánh sáng cũng là lần đầu cả bốn người phải “đánh đèn” từ những vị trí nguy hiểm nhất, cheo leo nhất. Tám chiếc đèn daylight công suất 1,2KW - vốn được dùng như nguồn sáng nhân tạo để làm giả ánh sáng ban ngày - mà cũng chỉ “đánh điểm” được từng khoảng trong lòng hang rộng mênh mông (có thể chứa gọn một tòa cao ốc 40-50 tầng, ôm trọn bức tượng Nữ thần Tự Do hay đủ không gian cho một phi đội ba chiếc máy bay cỡ nhỏ cùng lúc trình diễn - như các nhà làm phim Nat Geo TV đã chứng minh).

Đứng dưới nhìn những người mang vác vừa đu bám vừa bò lê trên những địa hình dốc ngược, trơn trượt để vận chuyển đủ thứ thiết bị đi kèm (nhẹ cũng chục cân, nặng như máy nổ hơn 40kg) lên điểm đặt đèn mà tất cả đều thót tim vì lo sợ.

Không sóng điện thoại, không mạng Internet, điện thoại vệ tinh cũng không thể sử dụng, đoàn có chục ngày tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc sống văn minh.

Ông Đỗ Quốc Khánh - trưởng Ban Khoa giáo VTV2 - đã chia sẻ trong một cuộc họp tại VTV: “Cách đây một tuần, tôi tiễn anh em vào Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, để thực hiện chương trình đầu tiên của dự án VTV đặc biệt. Và từ đó là bặt tin, không cách gì liên lạc được với họ. Nếu có trận lũ xảy ra, dòng sông ngầm chảy trong hang sẽ là một cản trở rất lớn đối với công việc, nhưng quan trọng hơn là sức khỏe, tính mạng của anh em, nhiều chuyện bất ngờ có thể xảy ra lắm chứ”.

Thực tế lũ đã về, tiếp tế bị đình trệ một ngày vì nước lên cao nhưng rất may mọi chuyện đều ổn.

Và những “lần đầu” được trải nghiệm

Những ngày căng mình liên tục di chuyển, tác nghiệp. Những đêm ngủ lều giữa thiên nhiên hoang sơ, cuộn mình trong túi ngủ giữa thanh âm gầm gào giận dữ của con sông ngầm hay rì rào, tí tách của những giọt nước đã bao nhiêu triệu năm cần mẫn kiến tạo hệ thống thạch nhũ muôn hình vạn trạng đầy biến ảo của Sơn Đoòng.

Với đa số thành viên, việc uống trực tiếp nước suối (được lọc qua thiết bị nhỏ như cái bơm tay), thưởng thức những món ăn luôn cay xé lưỡi (để tránh ngã nước), tắm “chay” trong những bồn nước thiên tạo (nói không với dầu gội, sữa tắm để tránh ô nhiễm nguồn nước), nhà vệ sinh là một thiết bị “kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và truyền thống theo một cách thức cực kỳ sáng tạo”... đều là những trải nghiệm lần đầu tiên không thể nào quên.

Lần đầu biết đến loại hình du lịch mạo hiểm, chúng tôi phải làm quen với chiếc mũ bảo hiểm gắn đèn cùng cục sạc nặng trĩu trên đầu, giày nhà binh, găng tay chuyên dụng có độ bám cao khi vào hang.  Trước giờ khởi hành, cả đoàn được giới thiệu rất kỹ về các trang thiết bị an toàn sẽ sử dụng trong chuyến thám hiểm.

Chúng tôi cũng biết 243 du khách may mắn từng vào hang đều tuyệt đối an toàn. Nhưng biết là một chuyện, cảm giác bất an khi chính mình phải mang bộ đai an toàn lỉnh kỉnh khóa, móc và đủ loại nút dây thừng để xuống hang từ độ cao 80m lại là một trải nghiệm “kinh hoàng”.

Tôi và vài thành viên nam trong đoàn đã kịp nhận về hàng chục vết bầm tím, trượt da rớm máu cùng một cảm giác chông chênh đáng sợ khi treo mình lủng lẳng trên một sợi dây nhỏ xíu, đợi chờ phía dưới là lởm chởm đá tảng và con sông đang gầm gào những thanh âm dọa nạt. Sợi dây đầy ám ảnh ấy còn chờ đợi chúng tôi trên nhiều đoạn đường hẹp dựng đứng khi chân đu, tay bám để lên hoặc xuống là cách di chuyển duy nhất khả thi.

Đi mới hiểu tại sao Sơn Đoòng được tôn vinh là “Tour du lịch mạo hiểm hấp dẫn nhất thế giới 2014”. Bởi khác với top 10 từng được vinh danh, nơi người ta chỉ được trải nghiệm nỗi hiểm nguy ở một khía cạnh duy nhất (leo núi băng, nhảy xuống hồ cá mập...), chúng tôi được thử thách trên đa dạng địa hình (từ bơi lội qua những khúc sông nước xiết dâng cao tới ngực đến leo trèo trên những phiến đá to chồng lớp lớp không ngừng; từ đu bám vào những mép đá mỏng, sắc lẻm như lưỡi dao đến bò, trườn, len lách qua những khe hẹp chỉ đủ một người chui lọt; từ trượt xuống trên những dốc đá không còn chút ma sát vì bùn đất, nước mưa hay trèo ngược lên những dốc đứng chỉ cho phép đi từng nhóm ba người vì nguy cơ đá lở...).

Sây sát, bầm tím, chảy máu, trẹo chân, nhức nhối vì căng cơ... là kiểu thương tích quen thuộc của cả đoàn, vết sau chồng vết trước, ngày sau chồng ngày trước, nhiều quá đâm ra trở thành bình thường.

Và cũng chỉ đi rồi mới hiểu tại sao nhiều du khách từng chinh phục Sơn Đoòng có chung cảm nhận “số tiền bỏ ra xứng đáng đến từng xu”. Bởi như một sự đền bù có chủ đích, sau mỗi chặng hành trình gian nan chúng tôi luôn được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên diễm ảo ngoài sức tưởng tượng. Rừng trong hang dưới hai hố sụt, nét đặc trưng chỉ riêng Sơn Đoòng sở hữu đã tạo nên “vườn địa đàng” nơi hạ giới.

Dòng sông ngầm dài hơn 2,5km cùng những hóa thạch cổ sinh hiện diện rất nhiều nơi và những “bãi đá thời tiết” trên nền hang (với những dấu vết sa thạch tuyệt đẹp cùng vô vàn viên “ngọc trai hang động”). Muôn hình vạn trạng những thạch nhũ kỳ ảo (cột cao nhất tới 70m). Những khối nhũ được tạo tác trên vách hang tạo thành những khối kết cấu như vòm và hệ thống ghế trong nhà hát. “Bức tường Việt Nam” ngăn trọn lòng hang cao hơn 80m nhìn y hệt một thác nước đang chảy bị ấn nút tạm dừng vĩnh viễn...

Những phần thưởng vô giá ấy chỉ dành cho người dám mạo hiểm, phiêu lưu. Những người điên đồng đều - như đoàn làm phim Bản hòa tấu ở Sơn Đoòng chúng tôi tự nhận.

Nguyên tắc nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường

Một Sơn Đoòng nguyên sơ, trong trẻo với môi trường được bảo vệ cực kỳ cẩn trọng là ấn tượng lớn nhất của tôi sau khi kết thúc chặng hành trình. Nhờ những nguyên tắc đề ra vô cùng nghiêm ngặt của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, được mọi thành viên của Công ty TNHH Chua me đất (Oxalis) tuân thủ tuyệt đối trên suốt lộ trình 50km đi về xuyên qua hang Én, hang Sơn Đoòng, tôi không tìm thấy một mẩu rác thải dù nhỏ nhất.

Quy trình xử lý rác sinh hoạt, chất thải vô cùng thân thiện với môi trường. Những gì không thể xử lý tại chỗ (túi bóng, hộp xốp, chai nhựa...) sẽ được vận chuyển ra ngoài để tiêu hủy. Từng viên ngọc trai hang động, từng măng đá... được nâng niu. Du khách chỉ được chạm vào hệ thống nhũ bằng găng tay, với mục đích duy nhất là đu bám để di chuyển. Nấu nướng cũng rất hạn chế dùng củi để tránh tác động xấu tới môi trường trong hang.

Theo tiến sĩ Howard Limbert, đó là lý do lớn nhất khiến mỗi tour thử nghiệm chỉ có thể nhận tối đa tám du khách, để ai cũng có cảm giác chính mình là người đầu tiên được đặt chân khám phá. Nghe thông tin một hệ thống cáp treo có thể được đưa vào sử dụng để tăng thêm cơ hội khám phá hang động kỳ vĩ này cho nhiều đối tượng, ông rất lo lắng. Vì ngoài nguy cơ phá vỡ cảnh quan, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái thì công tác hậu cần, đảm bảo giữ gìn môi trường sẽ trở nên quá tải, từ đó làm mất đi vẻ hoang sơ nguyên thủy của “viên ngọc quý” giữa lòng Phong Nha - Kẻ Bàng này. Từ những gì tôi quan sát và cảm nhận được, nỗi lo ấy hoàn toàn có cơ sở.

Tiến sĩ Howard Limbert dẫn đầu các chuyên gia Hiệp hội Thám hiểm hang động hoàng gia Anh trên đường đi qua hang Én - Ảnh: Tài Văn
Tiến sĩ Howard Limbert dẫn đầu các chuyên gia Hiệp hội Thám hiểm hang động hoàng gia Anh trên đường đi qua hang Én - Ảnh: Tài Văn

Mục tiêu cần chinh phục

Với tổng chiều dài hơn 8km chạy vắt qua hai xã của huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), Sơn Đoòng có kích cỡ khổng lồ với chiều rộng 150m và nơi cao nhất đạt tới 270m. Được một người dân địa phương là ông Hồ Khanh phát hiện lần đầu năm 1991, nhưng phải tới ngày 22/4/2009 Hiệp hội Thám hiểm hang động hoàng gia Anh (British Royal Cave Research Association), dựa trên những kết quả đo đạc chính xác, mới chính thức công bố Sơn Đoòng là “hang động tự nhiên lớn nhất thế giới”.

Hang cũng được New York Times xếp thứ tám trong danh sách 52 điểm đến lý tưởng năm 2014; tạp chí du lịch Business Insider (Mỹ) và tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Nga vinh danh là một trong 12 hang động ấn tượng nhất trên thế giới, đồng thời là “Tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới 2014”. Tờ Huffington Post (Anh) dự đoán những địa danh du lịch trên thế giới sẽ trở nên “hot” trong vòng 20 năm tới, trong đó có hang Sơn Đoòng của Việt Nam. Hiện nay, điểm du lịch nằm trong lõi quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng nhanh chóng trở thành mục tiêu số 1 cần chinh phục của các tín đồ du lịch mạo hiểm trong và ngoài nước.

 

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước