Năm 2019 là được đánh giá là một năm đột phá quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 và bước sang một thập niên mới.
Chính vì vậy, trong năm 2019, khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành chủ chốt. Minh chứng rõ nét cho điều này thể hiện ở thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực nổi bật như: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông, y tế, an ninh quốc phòng… trong thời gian qua đều có sự đóng góp của khoa học và công nghệ.
Với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học và công nghệ sẽ có những vai trò to lớn trong việc chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam sang nền kinh tế dựa trên công nghệ. Mang hoài bão phát triển kinh tế thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua những thử thách, tiếp tục hành trình 30 năm phát triển vượt bậc để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á.
Trong chương trình Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2019, các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín sẽ nhìn nhận, đánh giá và bình luận về những điểm nhấn nổi bật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của nước nhà trong năm 2019.
Thành tựu khoa học xã hội và nhân văn
Trong năm 2019, rất nhiều ngành và lĩnh vực đã có bước đột phá quan trọng. Một trong sự kiện được coi như nền tảng, tiền để để tạo động lực thực hiện các mục tiêu khoa học và công nghệ, đó chính là chuỗi các hoạt động đóng góp cho Tổ Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì.
Đây là chuỗi hoạt động gồm nhiều sự kiện, quy tụ hầu khắp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đầu ngành về khoa học xã hội và nhân văn trên cả nước. Từ các kết quả nghiên cứu, với nhiệt huyết và sự mong mỏi muốn cống hiến, đóng góp cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, hoài bão của dân tộc để xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Các nghiên cứu, trao đổi cũng cung cấp cơ hội, điều kiện để các nhà khoa học thuộc nhiều cơ sở nghiên cứu, các trường đại học khác nhau không chỉ cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu mà còn là diễn đàn để các nhà khoa học phản biện các chính sách phát triển đất nước hướng tới các đóng góp chắt lọc nhất, hữu ích nhất cho xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cho Chiến lược phát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam của thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, các hội thảo, diễn đàn còn là nơi để cùng phân tích sự biến đổi các vấn đề lớn của đất nước; các vấn đề từ phát triển kinh tế và các trụ cột; các đột phá của phát triển; các vấn đề xã hội đang rất quan tâm như biến đổi môi trường sống và sinh kế của người dân; vấn đề công nghệ mới đặc biệt là công nghệ 4.0 ảnh hưởng đến xã hội, đến các ngành sản xuất, đến năng suất lao động…; vấn đề nông nghiệp nông thôn, đô thị hoá; vấn đề văn hoá và phát triển; vấn đề chăm sóc và phát triển con người, chính sách gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các vấn đề phát triển, biến đổi của các tôn giáo, dân tộc, lịch sử, ngôn ngữ trong bối cảnh mới; các vấn đề về bối cảnh quốc tế, về địa chính trị của các nước, các khu vực, các khối trên toàn cầu, quan hệ của các nước lớn và vị trí, vai trò của Việt nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, những trọng tâm cần đặt ra và nhấn mạnh trong chiến lược 2021 - 2030, cũng như các vấn đề văn hoá, xã hội, con người.
Những tâm huyết và đóng góp, chia sẻ của các nhà khoa học được không chỉ Đảng, Chính phủ, các nhà khoa học trong và ngoài nước và đánh giá cao mà cả người dân cũng rất quan tâm do tính xây dựng và đóng góp với hàm lượng khoa học cao, căn cứ khoa học khách quan, tính cảnh báo, tính phản biện độc lập từ góc độ khoa học.
Vệ tinh do kỹ sư Việt Nam thiết kế bay vào vũ trụ
Quay trở lại những ngày đầu tiên của năm 2019, một sự kiện được coi như một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam, đó chính là lần đầu tiên, vệ tinh do kỹ sư Việt Nam thiết kế bay vào vũ trụ. Vệ tinh này được đặt tên là Micro Dragon, mang theo ước mơ vươn tới không gian của các nhà khoa học trong nước. Có thể nói, mọi hành trình đều phải bắt đầu từ những bước đi nhỏ đầu tiên. Và sự kiện này đã giúp chúng ta đã viết tên Việt Nam lên bản đồ khoa học vũ trụ thế giới.
Sau khi được phóng lên vệ tinh ngày 18/01/2019, hiện các kỹ sư Việt Nam cùng các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản đang điều khiển, vệ tinh làm việc trên quỹ đạo gồm: chụp ảnh, thu nhận, truyền tín hiệu từ vệ tinh.
Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh màu nước biển của vùng biển ven bờ của Việt Nam để đánh giá chất lượng, thành phần nước biển, phụ vụ cho ngành đánh bắt thuỷ sản. Nhóm đã phối hợp các nhà nghiên cứu chuyên ngành ở Việt Nam, đề ra yêu cầu vệ tinh phải chụp được ảnh ở 14 giải phổ để ảnh có đủ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyên ngành; đặt hàng các công ty Nhật Bản cung cấp linh kiện theo yêu cầu. Cuối cùng, nhóm tích hợp các linh kiện, thiết bị để hoàn thiện, lập trình, điều khiển vệ tinh.
Phóng vệ tinh là việc thực hiện khâu cuối cùng, triển khai kết quả chế tạo vệ tinh của nhóm chuyên gia Việt Nam. Đây cũng là bài học và cơ hội để các kỹ sư Việt Nam học cách đưa vệ tinh lên quỹ đạo, điều khiển, lắp đặt đưa vệ tinh về trạng thái làm việc ngoài không gian.
Lần đầu tiên 3 trường Đại học của Việt Nam lọt vào top 1.000 trong bảng xếp hạng Đại học thế giới của Times Higher Education
Mở đầu năm học mới 2019 - 2020, Việt Nam đã đón nhận một thông tin rất đáng mừng. Đó là lần đầu tiên 3 trường Đại học của Việt Nam lọt vào top 1.000 trong bảng xếp hạng Đại học thế giới của thời báo giáo dục đại học Times Higher Education. Đây là bảng xếp hạng có uy tín, được sinh viên, nhà khoa học, lãnh đạo trường đại học, doanh nghiệp và các chính phủ tin cậy.
Năm 2019, bảng xếp hạng này quy tụ gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học đến từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ. 5 nhóm tiêu chí được đưa ra để xét chọn, bao gồm: Giảng dạy, Nghiên cứu, Trích dẫn khoa học, Triển vọng quốc tế và Thu nhập nhờ chuyển giao tri thức.
Giải thưởng Ramanujan lần đầu tiên trao cho một nhà khoa học Việt Nam
Những tiện nghi hằng ngày con người đang sử dụng như điện thoại, TV thông minh hay máy tính bảng... đều là những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được những thiết bị ấy chỉ có thể có được nhờ những phát minh quan trọng trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Đó là kết quả của một khối lượng công việc khổng lồ của các nhà khoa học, các kỹ sư trong phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Công việc âm thầm này ít được xã hội biết đến nên thường không được nhìn nhận một cách xứng đáng. Những năm gần đây, nghiên cứu khoa học cơ bản ở nước ta đã được quan tâm đẩy mạnh, thể hiện ở sự đầu tư tài chính, tăng cường cơ sở vật chất và con người.
Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa được Trung tâm quốc tế Vật lý lý thuyết (ICTP) trao giải thưởng Ramanujan năm 2019. Giải thưởng lấy tên nhà toán học thiên tài Srinivasan Ramanujan (1887 - 1920), một nhà toán học Ấn Độ tự học nhưng đã có những phát hiện rất quan trọng khi còn rất trẻ. Giải Ramanujan được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ và Quỹ Abel của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Na Uy với sự cộng tác của Liên đoàn Toán học quốc tế (IMU).
Giải thưởng Ramanujan được trao hàng năm cho một nhà toán học trẻ (dưới 45 tuổi) hoặc nhóm nhà khoa học trẻ có cống hiến cho công trình nhận giải ở các nước đang phát triển. Giải được trao lần đầu tiên năm 2005 cho Marcelo Viana, hiện nay là Viện trưởng Viện Toán lý thuyết và ứng dụng quốc gia nổi tiếng của Brazil (IMPA).
Để có được những thành tự về khoa học và công nghệ như hiện nay không thể thiếu đi sự đóng góp âm thầm của các nhà khoa học, các kỹ sư trong phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm
Đến năm 2019, đã có 15 nhà khoa học trẻ được nhận giải Ramanujan, gồm: Argentina có 3 nhà khoa học; Braxin: 3; China: 3; Gabon:1; India: 3; Mexico:1 và mới đây nhất là Việt Nam với Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp. Giá trị của giải thưởng là 15.000 USD.
Giải thưởng ghi nhận những đóng góp nổi bật của Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức, đặc biệt trong lý thuyết đa thế vị mà ở đó anh đã có một kết quả nghiên cứu quan trọng về kỳ dị của hàm đa điều hòa dưới, phương trình Monge - Ampère phức và ngưỡng chính tắc với những ứng dụng quan trọng trong hình học đại số và hình học Kähler phức. Giải thưởng cũng ghi nhận những đóng góp của Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp trong sự phát triển toán học ở Việt Nam.
Lễ ra mắt nền tảng bản đồ số Vmap và hệ thống thông tin nhân đạo iNhandao
Với 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước, bản đồ số với tên gọi Vmap cung cấp cho người dùng địa chỉ chi tiết tới từng ngõ, ngách, thôn, bản. Khác với một số nền tảng bản đồ và định vị khác, Vmap hiển thị các lớp bản đồ riêng, có khả năng hiển thị chi tiết địa chỉ từng số nhà ở cả thành thị, miền núi và vùng sâu vùng xa.
Đây là kết quả sau 1 năm triển khai trong khuôn khổ Đề án Chính phủ "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa". Với mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ cùng hơn 50.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và kinh nghiệm thu thập dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, Bưu điện Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án "Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam" - Vmap. Đây chính là kết tinh của trí tuệ Việt Nam trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Thông qua Smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên Bưu điện, đoàn viên, thanh niên sẽ thực hiện thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ… ). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn hoặc https://vmap.vn.
Ngoài bản đồ số Vmap, một dự án khác cũng được giới thiệu là iNhandao, do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì. Dự án này sử dụng địa chỉ số từ bản đồ Vmap để xây dựng dữ liệu các địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp thông tin chính xác cho các nhà tài trợ, đảm bảo mọi hoạt động tài trợ đến đúng đối tượng, minh bạch, rõ ràng.
Trong giai đoạn đầu, hệ thống iNhandao triển khai xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin phong phú và chính xác. Từ đó, các hoạt động của nhà tài trợ được đảm bảo đến tay đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Hệ thống được xây dựng trong phạm vi lĩnh vực hoạt động và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của Hội Chữ thập đỏ. Những dữ liệu về các địa chỉ nhân đạo tại Việt Nam được đưa lên bản đồ dữ liệu quốc gia và được cập nhật thường xuyên.
Gạo ST25 được bình chọn là "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2019
Trong năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam gặp phải nhiều thách thức như: chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết gây hạn hán, lũ lụt ở một số nơi, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp. Trong khi đó, khâu tiêu thụ nông sản gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh những thách thức này, ngành nông nghiệp vẫn có những điểm sáng nổi bật trong năm nay, nhờ vào việc ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ. Trong đó, Gạo ST25 được bình chọn là "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2019 trong cuộc thi do TRT (The Rice Trader) tổ chức tại Manila, Philippin từ ngày 10 - 13/11/2019 và được ICI (International Commodity Institute) cấp chứng nhận.
Đây là sự kiện hy hữu bởi qua 10 lần thi trước, các giống đoạt giải đều là lúa mùa cổ truyền, năng suất thấp trong khi các giống lúa ST ba lần được xếp hạng đều là giống lúa do lai tạo, ngắn ngày, kháng bệnh rất mạnh, năng suất cao; cơm thơm, ngọt, mềm dẻo.
Loại gạo ST25 là loại gạo đặc sản ở Sóc Trăng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Gạo ST25 thuộc dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau. ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trong thị trường gạo hiện nay. Gạo hạt dài, trong, không bạc bụng. Cơm khi nấu dẻo, thơm, hương vị ngọt dẻo đặc biệt rất thu hút. Gạo thuộc loại dẻo thơm nên nấu ít nước, cơm vẫn dẻo dù không xới khi nấu. Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em. Đây cũng là loại đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng, sánh ngang với loại gạo Nàng thơm chợ Đào. Người tiêu dùng rất ưa chuộng ST25.
Ngoài chất lượng cao, ST25 còn thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long; sinh trưởng tốt tại vùng đất mặn, phèn. Đặc biệt, ST25 rất thích hợp cho vùng xen canh lúa - tôm. Đây là giống lúa cao sản, ngắn ngày (95 ngày), năng suất cao, bình quân đạt 7 tấn/ha, có thể trồng 2 - 3 vụ/năm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày, chỉ trồng được 1 vụ/năm).
Việc gạo ST25 được vinh danh đứng đầu thế giới lần này khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gì các nước khác, thậm chí có nhiều ưu điểm hơn như năng suất cao hơn, chống chịu với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, canh tác được nhiều vụ trong năm.
Sản xuất thành công vaccine phòng bệnh cho vật nuôi
Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực chăn nuôi của nước ta do chịu ảnh hưởng lớn của dịch tả lợn châu Phi đã khiến sản lượng thịt lợn giảm 8%, giá trị sản xuất giảm 0,6%. Chính vì vậy, tiêm vaccine để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm là vấn đề vô cùng quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của ngành chăn nuôi. Với nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng bệnh cho vật nuôi.
Đối với vaccine cúm A/H5N1 cho gia cầm: Trải qua 10 năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm diện hẹp, diện rộng, đến năm 2013, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vaccine phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm chủng NIBRG-14. Loại vaccine này trước đây phải nhập từ Vương quốc Anh. Vaccine đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng đại trà trên toàn quốc, tuy nhiên, do sự thay đổi về kháng nguyên của các chủng gây bệnh cúm gia cầm nên vaccine này chỉ phù hợp cho các trang trại chăn nuôi gia cầm khu vực phía Nam. Đến năm 2018, các nhà khoa học và công nghệ của Việt Nam đã tiếp tục sản xuất thành công vaccine phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm với chủng cúm A/H5N1 thuộc clade 1 và 1.1 . Vaccine phòng chống cúm A/H5N1 thuộc clade 1 và 1.1 đã kiểm nghiệm giống quốc gia và được phép sử dụng rộng rãi. Đây là những vaccine lần đầu tiên Việt Nam sản xuất và được ghi trên bản đồ thế giới những nước sản xuất được vaccine cúm gia cầm A/H5N1.
Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2019 mang tới góc nhìn của các nhà khoa học, các chuyên gia về những thành tựu khoa học, công nghệ trong năm
Đối với vaccine phòng bệnh tai xanh: Chủng cường độc để sản xuất vaccine vô hoạt đã được cấp giấy kiểm định giống và đã hoàn thiện công nghệ sản xuất vaccine vô hoạt nhũ dầu. Chủng giống nhược độc hiện đã tiếp truyền ở đời thứ 111 đạt hiệu giá tốt, đang tiến hành kiểm nghiệm vaccine để sản xuất diện rộng. Như vậy, Việt Nam lần đầu tiên sản xuất được vaccine phòng bệnh tai xanh cho lợn trong nước, góp phần làm giảm số lượng vaccine nhập khẩu (trước đây nhập khẩu 100%).
Đối với vaccine lở mồm long móng: Đã có 5 chủng gồm 3 typ O và 2 typ A đã kiểm nghiệm giống quốc gia. Vaccine týp O, týp A đã kiểm nghiệm cấp quốc gia. Đến năm 2018, đã có 2 vaccine týp O và týp A được phép lưu hành trên toàn quốc. Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công vaccine lở mồm long móng để không phải hoàn toàn lệ thuộc vào nước ngoài.
Thành tựu khoa học và công nghệ tại địa phương
Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang lâu nay vẫn được biết tới là một vùng núi đá khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước để phát triển kinh tế nông nghiệp. Cuộc sống của người dân vùng cao dù còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn bền bỉ một sức sống mãnh liệt vươn lên.
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nơi đây, một dự án mang tên "Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang" đã được triển khai.
Đây là dự án trong chương trình hợp tác theo Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa LB Đức, được thực hiện tại Hà Giang nhằm nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, từ đó đưa ra giải pháp cấp nước bền vững cho người dân trong vùng. Dự án do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Quản lý nước và lưu vực sông thuộc Viện Quản lý tài nguyên nước và kỹ thuật môi trường (đối tác CHLB Đức) thực hiện. Dự án góp phần cung cấp nước sạch cho trên 2.000 hộ dân tại thị trấn Đồng Văn và các vùng lân cận, thúc đẩy du lịch, dịch vụ của địa phương phát triển.
Lần đầu tiên thực hiện thành công phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị Hội chứng truyền máu song thai tại Việt Nam
Ngày 4/10/2019, Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công 2 ca mổ can thiệp trong bào thai để điều trị hội chứng truyền máu song thai cho 2 trường hợp. Sau 1 tuần, sức khỏe mẹ và thai nhi đều tốt nên được xuất viện ngày 11/10/2019. Tính đến 24/10, Bệnh viện đã mổ thành công 6 ca mắc hội chứng truyền máu song thai.
Hội chứng truyền máu song thai là một hội chứng vô cùng nguy hiểm, xảy ra trong trường hợp hai thai có chung một bánh rau, máu từ thai này truyền sang cho thai kia thông qua các cầu nối mạch máu trong bánh rau. Khi mắc hội chứng này, nếu không được điều trị thì 90% - 100% thai sẽ chết. Số còn lại sống sót cũng bị di chứng thần kinh nặng nề, khoảng 30%.
Phẫu thuật can thiệp bào thai có ý nghĩa khoa học và nhân văn cao, giúp cứu sống được cả 2 thai 60% hoặc ít nhất 1 thai sống 80 - 90%, góp phần nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực và quốc tế; giúp tiết kiệm ít nhất 50% chi phí điều trị (tại Việt Nam, giá khoảng 50 triệu đồng/1 ca; tại Pháp khoảng 100 triệu đồng/1 ca chưa kể kinh phí đi lại, ăn ở).
Thành tựu trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ và Sáng chế không chuyên
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Sở hữu trí tuệ đã trở thành tài sản có giá trị lớn và doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ hơn về quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng nó như một công cụ hiệu quả trong kinh doanh và cạnh tranh. Chính vì vậy, trong năm 2019, một trong những nhóm sự kiện rất được quan tâm và có tầm ảnh hưởng xã hội rộng khắp chính là sở hữu trí tuệ.
Những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực này bao gồm:
- Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam
- Bộ KH&CN và Bộ Công Thương đã phối hợp với tổ chức Hội nghị "Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)"
- Việt Nam gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
- Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2019
- Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC)
- Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc
- Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 15
- Cuộc thi sáng chế
Dù không có nhiều kiến thức, không được đào tạo bài bản nhưng với lòng đam mê cháy bỏng, nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo của các nhà sáng chế đã nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm thiết thực, không những đem lại lợi ích cho bản thân gia đình mà còn góp phần không nhỏ trong việc làm giàu cho đất nước. Họ đã trở thành những nhà sáng chế không chuyên nghiệp mà người dân vẫn yêu mến gọi là nhà khoa học "chân đất".
Đổi mới trong cơ chế, chính sách và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
Trong thời gian qua, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn để khoa học và công nghệ thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực. Những dấu ấn đáng nhớ có thể kể đến như:
- Chuỗi ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Techfest vùng, Techfest quốc tế và Techfest quốc gia năm 2019
- Tuần lễ đổi mới sáng tạo
- Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- Việt Nam tiếp tục tăng hạng (tăng 3 bậc) trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
- Gặp gỡ trí thức, nhà khoa học
- Ngày hội trí tuệ nhân tạo
Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, trong năm nay, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa khoa học và công nghệ không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Để đạt được những bước tiến đó, cần tầm nhìn và nỗ lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thu hút nguồn lực, đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ
Chủ trương của Đảng và Chính phủ trong những năm qua là chúng ta cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp. Việc phối kết hợp cùng nhau giữa các bên liên quan - bao gồm Chính phủ, các chủ thể khu vực tư nhân và các cơ quan phát triển - trở nên vô cùng thiết yếu giúp tối đa hóa các tác động tích cực của các tiến bộ công nghệ, đồng thời giảm thiểu những tác động bất lợi của chúng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!