Xuất khẩu nông sản tiểu ngạch: Quá nhiều rủi ro

Đặng Công-Thứ ba, ngày 19/07/2011 12:00 GMT+7

Những ngày gần đây, thương nhân Trung Quốc đổ xô sang Việt Nam thu mua nông sản. Không chỉ thu gom với giá cao, mà họ còn tỏ ra dễ dãi trong việc chọn mua. Tuy nhiên, điều đó lại tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Nông dân không có lựa chọn nào khác là bán khoai tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: dantri

Trung tuần tháng 6 vừa qua, giá trứng vịt tại các chợ ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao khoảng 3.000 đến 3.500 đồng/trứng. Ông Trương Hữu Nghị, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Nghiệp chuyên thu mua trứng xuất khẩu ở Vĩnh Long cho biết: Thời điểm đó, ông phải thu mua trứng với giá 2.900 đồng, tăng khoảng 500 đồng/trứng so với trước. Thông tin ông có được từ bạn hàng không phải là trứng vịt bị tranh mua, mà chính là thiếu vịt sinh sản nên mới dẫn đến tình trạng khan hiếm trứng.

Ông Trương Hữu Nghị, Giám đốc Doanh nghiệp Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long) cho biết: “Những đầu mối gom hàng nói với tôi rằng, có thương lái Trung Quốc thu mua vịt đẻ với giá rất cao, dao động từ 110.000 đến 130.000 đồng/con”.

Không chỉ mua hàng từ người dân, các thương nhân Trung Quốc còn trực tiếp hợp tác với các doanh nghiệp địa phương thu mua nông sản. Tuy nhiên, do mua bán phần lớn qua đường tiểu ngạch, giao hàng mới trả tiền nên tỉ lệ rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam là rất cao.

Ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc Công ty Cổ phần khoai lang Nhật Thành, xã Thạnh Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, vụ khoai lang vừa qua, công ty ông bị lỗ gần 200 triệu đồng từ việc bán khoai cho đối tác Trung Quốc.

“Cách thức họ thu mua chưa được an toàn. Ở đầu vụ, mình làm hàng cho họ theo lối khoai từ 50 gram trở lên, to nhỏ gì cũng lấy hết. Nhưng cách đây nửa tháng, họ mua củ tròn, nây, mình bán từ 10.000 đồng/kg còn có 2.000 đồng/kg nên bị lỗ”. Ông Huỳnh Ngọc Có cho biết.

Hiện tại, nhiều mặt hàng như: Khoai lang, trứng vịt, dừa khô, hay thủy hải sản đang được Trung Quốc thu mua với giá cao. Trước hiện tượng này, ngoài niềm vui của người nông dân, không ít ý kiến của các chuyên gia lại tỏ ra lo ngại. Đa số đều cho rằng, sự quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ cho rằng, khi nhu cầu thị trường tăng vọt, làm cho cấu trúc thị trường bị vỡ, các nhà máy không có nguyên liệu bán ra bên ngoài nên phải phá vỡ hợp đồng và chúng ta mất uy tín. Nhưng khi sản xuất tăng vọt mà Trung Quốc không mua nữa, thì người sản xuất sẽ bị thiệt.

Những lo ngại không phải là không có cơ sở. Còn nhớ, những năm 2004-2005, thương lái Trung Quốc thu mua dưa hấu với giá khoảng 10.000 đồng/kg nên nông dân miền Trung đã ồ ạt trồng dưa hấu. Kết quả của niềm vui ấy là, hàng trăm xe chở dưa hấu phải nằm lại và đổ bỏ ở cửa khẩu Lạng Sơn do không xuất được sang bên kia biên giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước