Xuất khẩu 2011 về đích sớm?

Đỗ Thủy-Thứ ba, ngày 22/02/2011 12:05 GMT+7

Cùng với đà tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND lên 9,3% trong ngày 11/2 vừa qua cũng sẽ tiếp tục là cú hích lớn để xuất khẩu 2011 về đích sớm.

Vậy điều chỉnh tỷ giá có phải là cơ hội lớn cho xuất khẩu và các DN xuất khẩu cũng như cơ quan chức năng chuẩn bị gì để đối phó với những tác động của việc tăng tỷ giá?

Một tuần sau khi Ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá 9,3%. Do thị trường hiện nay có tính liên thông cao, nên việc mua bán đã được thực hiện trên mặt bằng tỷ giá mới. Cà phê là một ví dụ. Vào ngày 11/2, giá cà phê nhân xô trong nước đứng ở mức 40.400đ/kg, thì hiện nay, mức thu mua đã là 42.200đ, tăng tới 1.800đ/kg.

Nhiều đơn vị xuất khẩu cho biết, cái lợi lớn nhất của điều chỉnh tỷ giá là minh bạch hóa thị trường, giúp DN thuận tiện hơn trong hoạt động thanh toán vì trước khi điều chỉnh, họ đã phải mua hàng hóa theo tỷ giá thỏa thuận, vốn cao hơn nhiều so với giá niêm yết của Ngân hàng. Tuy nhiên, với mức tăng lên tới 9,3% thì những DN có dự trữ lớn, hoặc đã ký được những hợp đồng lớn, thì lợi ích do điều chỉnh tỷ giá đem lại khá rõ ràng.

Bà Nguyễn Khánh An, GĐ kinh doanh Intimex VN: “Hàng tồn kho chờ xuất khẩu và nguồn phải thu từ ngoại tệ đã được hạch toán tỷ giá thấp, thì nay khi tỷ giá biến đổi sẽ mang được phần thặng dư cho DN. Có điều mức thặng dư không tăng được 9,3%, mà chỉ tăng 300- 400đ/USD so với giá thỏa thuận trước đó mà thôi”.

Là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề VN, ông Vũ Quốc Tuấn cho biết, các DN làng nghề rất phấn khởi trước quyết định điều chỉnh tỷ giá. Vì cũng như nhóm hàng nông lâm thủy sản, các sản phẩm làng nghề không phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề VN: “Nhìn chung giá trị gia tăng của nhóm sản phẩm làng nghề luôn ở mức cao. Chúng tôi tính toán bình quân là luôn ở mức 70-80%. Còn da giầy, dệt may chỉ 20% thôi. Chúng tôi có lợi hơn”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận định, việc điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này được xem là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu. Với nhóm hàng nông lâm thủy sản, có thể nói điều chỉnh tỷ giá đem lại lợi ích kép, vì giá thế giới của nhóm hàng này đang tăng cao. Riêng trong tháng 1 năm nay, giá trị bình quân của nhóm hàng này tăng tới 52%.

Cũng theo ông Biên, điều chỉnh tỷ giá cũng là dịp để rà soát lại cơ cấu tỷ trọng các ngành hàng xuất khẩu, vì nhóm hàng có giá trị gia tăng lớn và không phụ thuộc vào nhập khẩu lại chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 20%.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương: “Cái khó và điều mà các DN cần phấn đấu là hạn chế phụ thuộc vào bên ngoài, phát huy nội lực của hàng hóa và DN Việt Nam. Chúng ta đang triển khai cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Thế thì không chỉ người Việt, mà cả DN Việt cũng phải ưu tiên dùng hàng Việt, kể cả máy móc thiết bị”.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề VN: “Để có lợi nhiều hơn nữa thì chúng ta phải điều chỉnh ngay cơ cấu xuất khẩu. Phải hạn chế xuất khẩu thô như bây giờ. Tăng cường hơn nữa công nghiệp chế tạo và chế biến để nâng cao giá trị của hàng xuất khẩu. Làm thế nào để tăng cao công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ xuất khẩu. Chỉ có làm như thế mới nâng cao được giá trị của hàng xuất khẩu lên và tận dụng được cơ hội từ việc tăng tỷ giá”.

Bộ Công thương cho biết, hiện Bộ đã trình Chính phủ Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để tăng hàm lượng nội địa hóa của các mặt hàng xuất khẩu. Đây được xem là hướng phát triển bền vững nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng VN trên thị trường thế giới và đem lại nguồn ngoại tệ lớn về cho đất nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước