Máy bay rải chất diệt cỏ/dioxin. (Nguồn: Internet)
Hội thảo cũng đánh dấu sự bắt đầu của chiến dịch huy động tài chính cho việc tẩy độc hai điểm nóng về dioxin là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định).
Sân bay Biên Hòa - một trong 3 điểm bị ô nhiễm chất dioxin nặng nhất ở Việt Nam. Sân bay này vừa là kho tập kết chất diệt cỏ làm rụng lá cây, vừa là nơi để quân đội Mỹ rửa máy bay sau khi thực hiện các phi vụ rải chất diệt cỏ trong đó có chất dioxin xuống miền Nam Việt Nam. Việc này đã làm làm nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, nồng độ chất dioxin cao gấp hàng trăm lần, thậm chí có điểm cao hơn hàng ngàn lần mức cho phép.
Ông Thomas G.Boivin, Giám đốc Công ty tư vấn Hatfield (Canada) cho biết: “Khu vực sân bay Biên Hòa qua khảo sát của chúng tôi thì nồng độ dioxin trong môi trường ở đây cao hơn tiêu chuẩn quốc tế cho phép nhiều lần, nhất là khu vực ở phía Tây sân bay. Với chiến dịch “Lực điền”, chiến dịch quân sự lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là sự cố tràn chất độc trên diện rộng vào năm 1969-1970 gây ô nhiễm nguồn đất và nước, thậm chí một lượng chất dioxin đã thẩm thấu ra sông Đồng Nai. Việc tẩy độc từ phía Việt Nam đã đem lại kết quả bước đầu, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc chôn lấp để ngăn chất độc lan tỏa”.
Tiến sĩ Charles Bailey, Giám đốc văn phòng sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin phát biểu: “Tôi làm việc 12 năm cho quỹ Ford, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ. Quỹ này hỗ trợ cho nhóm đối thoại Việt - Mỹ. Nhóm đã đề ra kế hoạch hành động 10 năm với tổng số ngân sách đề nghị 300 triệu hỗ trợ tẩy độc ở Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát. Phần còn lại dành cho việc hỗ trợ cho những người bị phơi nhiễm ở các khu vực lân cận”.
Tuy nhiên 300 triệu cho 10 năm tới cho cả 2 hoạt động là con số dự đoán. Ở Đà Nẵng đã tiến hành những nghiên cứu khoa học gần với thực tế hơn, đó là cần phải có 34 triệu USD cho việc tẩy độc ở khu vực này.
Được thành lập từ năm 2007, nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxon - nhóm đối ngoại kênh 2 giúp người Mỹ và chính giới Mỹ có cái nhìn đúng hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Hiện có tới gần 5 triệu người bị phơi nhiễm, và có tới 64% trẻ khuyết tật ở Việt Nam có liên quan đến chất dioxin. Di chứng của chất độc này đã lan tới thế hệ thứ ba, cùng với đó là hàng ngàn ha đất hoang hóa vẫn chưa thể khai thác lại.
Ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ tịch Ủy ban đối thoại của Quốc hội, Đồng trưởng nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin: “Bây giờ tẩy độc sân bay Đà Nẵng cần tới 34 triệu USD. Việc tẩy độc ở đó về cơ bản đã ổn, còn ở sân bay Biên Hòa, các nhà khoa học khẳng định bị phơi nhiễm nhiều hơn nên cần nhiều chi phí hơn”.
Gần đây, với sự nỗ lực của nhóm đối thoại Việt- Mỹ, chính giới Mỹ đã có những bước đi đầu tiên trong việc hợp tác với Việt Nam để giải quyết hậu quả của chất da cam/dioxin. Nhưng so với việc mỗi năm chính phủ Việt Nam phải bỏ ra một số tiền tương đương với 50 triệu USD để trợ cấp tối thiểu cho 200.000 nạn nhân trên tổng số gần 5 triệu nạn nhân, thì số tiền mà phía Mỹ bỏ ra còn quá nhỏ bé.
Nhóm đối thoại Việt - Mỹ đang nỗ lực để đến năm 2020 huy động đủ 300 triệu USD để tẩy độc toàn bộ 28 điểm nóng da cam tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ về y tế đối với nạn nhân chất độc da cam đang sống rất khó khăn.