Về dự án Luật Khiếu nại, một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là có xây dựng một chương riêng, cụ thể về xử lý, giải quyết khiếu nại đông người trong Luật khiếu nại không hay qui định chung rồi giao Chính phủ có hướng dẫn cụ thể.
Một số ý kiến cho rằng, khiếu nại đông người là vấn đề phức tạp hiện nay, diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước. Vì vậy, nên có riêng một chương về khiếu nại đông người, quy định rất cụ thể, chặt chẽ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và đảm bảo trật tự xã hội, không nên qui định chung rồi giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.
Không phản đối ý kiến này, nhưng một số ý kiến khác cho rằng, vấn đề không phải là qui định hay không qui định, mà qui định như thế nào thì có thể áp dụng trong thực tiễn được, vừa bảo đảm lợi ích của công dân, vừa đảm bảo tôn nghiêm của hệ thống Nhà nước. Kinh nghiệm từ qui định về đình công trong Bộ Luật lao động là một ví dụ cho thấy, luật không đi vào cuộc sống mặc dù tư tưởng của luật là rất tiến bộ. Vì vậy, có thể qui định chung trong Luật, giao Chính phủ có hướng dẫn thực thi một thời gian, rồi tổng kết thực tiễn và sửa đổi, bổ sung vào luật thì tính khả thi sẽ cao hơn.
Một số ý kiến khác lại đề nghị không nên qui định riêng trình tự giải quyết khiếu nại đông người, vì chỉ cần hai người trở lên đã là số đông rồi. Luật pháp cần có tính bao quát và toàn diện, chỉ cần thống nhất được khái niệm về khiếu nại. Sau đó, tất cả các trường hợp khiếu nại theo khái niệm này sẽ phải theo cùng một trình tự giải quyết chung.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Pháp luật nói chung và Luật khiếu nại nói riêng phải giải quyết được những vấn đề mà thực tế cuộc sống đặt ra, gắn với quyền và lợi ích của người dân. Luật hóa vấn đề khiếu nại đông người ở mức độ thế nào là việc phải chuẩn bị thấu đáo, sẽ tiếp tục thảo luận trong phiên họp sau.
Về dự án luật tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị mở rộng quy định người có quyền tố cáo bao gồm cả cơ quan, tổ chức; hình thức tố cáo có thể bằng thư điện tử, fax hoặc tố cáo bằng lời qua điện thoại, miễn là nội dung thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo phải đầy đủ, chính xác. Các trường hợp tố cáo nặc danh, mạo danh đều không được chấp nhận để tránh tình trạng lợi dụng, tố cáo sai sự thật.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, vì cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa hiệu quả nên chưa khuyến khích được công dân đấu tranh công khai, trực diện với các hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy, các tố cáo nặc danh, nếu có nội dung cụ thể, rõ ràng thì cũng nên có cơ chế để có thể xem xét. Nếu bỏ qua, có khả năng bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không kịp thời.