Mặc dù đã được triển khai ở một số ngành và địa phương, tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử, đến Quý I/2018, mục tiêu các bộ, ngành có 100% danh mục dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 lại chưa hoàn thành. Nhiều dịch vụ công ở các cấp độ cao có rất ít hồ sơ.
Nguyên nhân bởi việc ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ phát huy hiệu quả ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương nhưng chưa được liên thông với nhau.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp chưa có, dữ liệu về đất đai chưa đầy đủ và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng Chính phủ điện tử, có thể thấy nỗ lực vẫn chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và từng bước nâng dần lên mức độ cao nhất để người dân không phải đi đâu xa tìm kiếm thông tin, hạn chế tình trạng "cò hành chính". Tuy nhiên, vẫn còn không ít những thách thức, khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cần được giải quyết.
Thời gian gần đây, liên tục những hành động thể hiện quyết tâm trong việc xây dựng Chính phủ điện tử đã được thực hiện. Mới nhất là việc Thủ tướng quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, giúp xác định chiến lược và lộ trình cho việc phát triển mô hình này hay đề nghị các chuyên gia đến từ các nước có nhiều kinh nghiệm như Estonia, Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!