Trao trả 56.000 hồ sơ cán bộ, chiến sĩ đi B

Việt Hùng-Thứ sáu, ngày 26/03/2010 10:15 GMT+7

Trong suốt những năm tháng đấu tranh thống nhất đất nước từ 1954 đến 1975, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ của ta đã bí mật trở lại miền Nam hoạt động...

Vì yêu cầu bắt buộc của nhiệm vụ, họ ra đi mà để lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ cá nhân và thậm chí là cả những cái tên thật của mình. Cũng vì vậy, rất nhiều người trong số ấy đã hy sinh một cách thầm lặng mà cho đến nay, phần lớn trong số họ vẫn là những liệt sĩ vô danh.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và sau hơn 2 năm tích cực thực hiện công việc chỉnh lý gần 56.000 hồ sơ cán bộ, chiến sĩ đi B, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III tại Hà Nội đang từng bước tiến hành việc sao và trả khối hồ sơ tài liệu khổng lồ này về các địa phương với hy vọng góp phần tích cực trả lại tên và tiểu sử đích thực cho những cán bộ, đồng chí đã hy sinh trong thầm lặng ấy.

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội, phía sâu bên trong những dãy hành lang có một căn phòng, thậm chí là khá bí mật đối với không ít những nhân viên ở đây. Trong căn phòng này là gần 56.000 hồ sơ của những cán bộ, chiến sĩ đã bí mật được gửi vào Nam hoạt động từ năm 1956 cho tới ngày thống nhất đất nước.

Bà Đỗ Thị Kim Ngân là con của liệt sĩ Đỗ Bách Trú (bí danh Đỗ Bách Thắng), một trong số những cán bộ bí mật tập kết vào miền Nam năm 1965. Ông hy sinh năm 1966. Bà Ngân bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm mộ cha vào năm 1992. Gần 20 năm trời đi khắp các cơ quan, ban ngành và địa phương, bà Ngân tưởng như đã tuyệt vọng.

Bà Đỗ Thị Kim Ngân, quận Ba Đình, Hà Nội: “Không biết bao lần, tôi tưởng đã tuyệt vọng. Cho đến một ngày, tôi nghe thấy trên tivi nói có cuộc triển lãm hồ sơ, kỷ vật cán bộ, chiến sĩ đi B. Thế là tôi tới, nhưng vẫn không thấy một manh mối gì về cha. Tôi cứ đứng đó mãi vì đó là hy vọng cuối cùng của tôi. Rồi một nhân viên của Trung tâm lưu trữ III tới hỏi tìm ai và chị ấy nói, đây chỉ là một phần được trưng bày, còn rất nhiều hồ sơ tại trung tâm”.

Một vài dòng lý lịch viết bằng bút mực tím, một vài tấm ảnh chân dung đã hoen ố theo thời gian, những tấm huy chương và bằng khen cũng đã phai màu theo năm tháng. Những di vật không chỉ nhắc người ta nhớ tới một thời kỳ lịch sử với biết bao gian khổ của đất nước; mà thực sự chúng là những đầu mối và cũng chính là những hy vọng của những gia đình chưa thể tìm được phần mộ của người thân, những người anh hùng, những liệt sĩ đã ngã xuống trong thầm lặng.

Ông Vũ Xuân Hưởng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III: “Trước đây, chúng tôi cũng đã gửi danh mục hồ sơ về cho các địa phương để nếu địa phương hay cá nhân nào có nhu cầu có thể tới trung tâm tra cứu. Tuy nhiên, do điều kiện xa xôi, nên những người ra đây tra cứu thường rất khó khăn và cũng không phải ai cũng có điều kiện ra Hà Nội được. Chúng tôi thực sự hy vọng là những tài liệu này, sau khi được sao trả về địa phương sẽ góp phần hoàn thiện hồ sơ để các địa phương có thể thực hiện đầy đủ chính sách”.

Ngay trong sáng 25/3, một buổi lễ giao nhận 6.484 bản sao hồ sơ cho 4 địa phương là Bạc Liêu, Bình Định, Gia Lai và Tây Ninh đã được tổ chức tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, Hà Nội. Và những buổi lễ như thế sẽ còn tiếp tục diễn ra cho đến khi toàn bộ gần 56.000 hồ sơ cán bộ, chiến sĩ đi B được sao và trả về hết cho các địa phương.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước