Bà Cù Thị Hoa ở phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên đã cho vay hàng tỉ đồng chỉ thông qua những mảnh giấy viết tay sơ sài. Bây giờ khi bị người vay nợ là bà Hoàng Thị Bích Hồng không trả đúng số tiền như đã vay, bị rơi vào cảnh trắng tay, vợ chồng bà Hoa mới thấy ân hận vì đã quá cả tin.
Cũng vẫn là những mảnh giấy này, ông Nguyễn Văn Đương đã cho bà Hoàng Thị Bích Hồng vay gần 1 tỉ đồng, đến nay vẫn chưa đòi nợ được. Căn nhà ông Đương đang xây dở, phải dừng lại vì không còn tiền xây nữa. Nhiều tháng qua, ông Đương ngồi trông ngóng bà Hồng trả tiền như đã hứa.
Khác với nhiều vụ vỡ hụi, người vay nợ bị vỡ nợ nên mới không đủ tiền để trả cho chủ nợ, trong trường hợp này, bà Hoàng Thị Bích Hồng - người đã vay tiền của ông Đương và bà Hoa vẫn đang xây dựng khu nhà hơn 10 tầng. Bà vẫn khẳng định có đủ tiền để trả nợ.
Vì sao lại có chuyện người vay nợ luôn khẳng định sẵn sàng trả nợ mà vẫn phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan pháp luật mà cụ thể ở đây là công an tỉnh Thái Nguyên đang thụ lý vụ việc? Nguyên nhân cũng xuất phát từ những tờ giấy cho vay nợ quá sơ sài này khiến người vay nợ có điều kiện thuận lợi để không thừa nhận số tiền đã vay, thậm chí còn cho rằng đã trả nợ hết nhưng bị mất giấy xé nợ.
Thời gian tới, công an tỉnh Thái Nguyên sẽ đưa ra kết luận về vụ việc này. Mặc dù đây là vụ việc xảy ra ở tỉnh Thái Nguyên song ở nhiều địa phương khác cũng có vô số vụ việc tương tự như ở đây. Hiện nay, vẫn có nhiều gia đình vì cả tin mà cho vay cả gia tài của mình chỉ giữ lại bằng chứng là những mảnh giấy sơ sài, có người cho vay hàng trăm triệu đồng chỉ bằng lời nói... Sự cả tin và thiếu hiểu biết đã biến rất nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Và chính họ đã tiếp tay cho những hành vi lừa đảo.