Ngày Quốc khánh 02/9: Trong ngày Quốc khánh 02/9 vừa qua, rất nhiều bà con từ nhiều địa phương, thậm chí là từ phía Nam đã lặn lội ra Hà Nội để tới lăng viếng Bác từ sáng sớm. Đoàn người như kéo dài đến bất tận đã cho thấy nhân dân cả nước không bao giờ quên Người, đặc biệt là trong ngày lễ lớn của đất nước.
Còn tại các vùng quê ngoại thành, hình ảnh gia đình xum vầy, đoàn tụ trong ngày Quốc khánh 02/09 là những hình ảnh có thể dễ dàng bắt gặp. Trong cái không khí đoàn tụ, hạnh phúc ấy, những người cao tuổi trong làng vẫn không quên ra đình thắp nén hương thơm trước bàn thờ Bác và trước bia tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc. "Uống nước nhớ nguồn", không ai được phép lãng quên những người đã không tiếc xương máu của bản thân và gia đình để đất nước có ngày độc lập, thống nhất.
Xử lý điểm nóng môi trường: 80% các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường và 20% cơ sở còn lại sẽ cũng phải hoàn tất công tác này vào đầu năm 2010... Đó là báo cáo của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn môi trường tại Thái Nguyên công bố trong tuần vừa qua.
Đây là một thông tin đầy bất ngờ, khi thực tế trên địa bàn cả nước, số các cơ sở sản xuất đang ngày đêm xả chất thải độc hại ra môi trường khó có thể đếm xuể. Báo cáo với số liệu ban đầu như vậy đã cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để thực hiện được đúng với số liệu đã báo cáo và duy trì để tất cả những kết quả đạt được không chỉ bó gọn trong 2 chữ "phong trào".
Người Việt dùng hàng Việt: "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", câu khẩu hiệu khuyến khích người dân trong nước sử dụng, ủng hộ hàng nội địa được đưa ra từ hơn 1 thập kỷ trước giờ phần lớn mọi người vẫn còn nhớ. Tuy thế, thì ngay ở lĩnh vực dệt may, một thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, người dân trong nước vẫn không có nhiều lựa chọn đối với các sản phẩm may mặc trong nước; mà thay vào đó là các loại sản phẩm nhái được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Người ta lý luận rằng các doanh nghiệp trong nước chú trọng vào sản phẩm cao cấp nên chưa có nhiều sản phẩm cho thị trường trong nước. Liệu lời giải thích này có đúng khi ngay tại các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, và TP.HCM, người tiêu dùng trong nước cũng chỉ tìm thấy những sản phẩm hàng hiệu của nước ngoài mà họ phải bỏ hàng triệu đồng để mua được dù chỉ một sản phẩm. Công nghiệp dệt may của Việt Nam chỉ đơn thuẩn là gia công; không tự sản xuất được nguyên phụ liệu, thiết kế kém cỏi, lạc hậu là thực tế không nên chối bỏ.
Cô bé ở xóm cù lao: Lên 3 tuổi, cha bỏ 2 mẹ con ra đi, không quay trở lại. Lên 9, người mẹ sau nhiều năm đau khổ cũng bỏ đi biệt tích. Cả gia đình giờ chỉ còn lại 2 bà cháu. Đó là câu chuyện của một cô bé ở xóm cù lao Tân Vĩnh, xã Trường An, thành phố Vĩnh Long. 2 bà cháu sống dựa vào những bó rau hái trong vườn nhà bán được, dựa vào 240 nghìn đồng tiền trợ cấp khó khăn và sự đùm bọc của bà con lối xóm.
Ngày qua ngày với những khó khăn chồng chất và những ngày đau yếu, bệnh tật bất chợt của người bà, nhưng cô bé trong 7 năm liền vẫn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hoàn cảnh của cô bé ở xóm cù lao thành phố Vĩnh Long ấy chắc hẳn đã khiến không ít người nhớ tới tác phẩm đầy tính nhân văn "Mặt trời bé con của tôi" trong sách văn học phổ thông trước đây... Hãy biết quan tâm hơn để các em thật sự được trở thành những mặt trời bé con, để cuộc sống của các em bớt khó khăn và tất cả thực hiện được những ước mơ của mình.