Một số mẫu cà chua, khoai tây ở TP.HCM đã được biến đổi gene.
Sau khi tìm hiểu vấn đề này, nhiều chuyên gia cho biết: Thực phẩm biến đổi gene đã có mặt khá lâu trên thị trường Việt Nam, hầu hết người dân nào cũng đã dùng qua những sản phẩm này.
Như thường lệ, chị Nguyễn Như Hoài Trang, quận 7, TP.HCM đến chợ Bến Thành chọn một ít xà lách tím thay vì xà lách xanh vẫn thường thấy về làm cơm, vì thấy rằng xà lách tím vừa lạ mắt, vừa tươi ngon. Nhưng sau khi biết đây là sản phẩm đã được biến đổi gene, chị tỏ ra lo lắng.
“Thỉnh thoảng tôi cũng mua những sản phẩm tân tiến mà ngày xưa không có như ổi không hạt, bắp cải tím... Tôi không biết những thực phẩm đó là biến đổi gene. Tôi lo lắng và có lẽ sẽ không dùng sản phẩm đó nữa”. Chị Trang nói.
Trao đổi vấn đề này với Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, ông cho rằng, thực phẩm biến đổi gene có mặt trên thị trường Việt Nam từ khá lâu, mặt hàng cũng phong phú. “Nhiều năm nay, bà con đi chợ đã lựa chọn cà chua không hạt, dưa hấu không hạt, cam không hạt… đó là sản phẩm có can thiệp công nghệ sinh học, còn gọi là biến đổi gene”.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, chủ đề thực phẩm biến đổi gene đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu tranh luận nhiều năm nay, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh sản phẩm từ cây trồng biến đổi gene gây hại cho người dùng. Riêng Bộ Y tế Việt Nam thì đưa ra yêu cầu: Cần thông tin rõ ràng về sản phẩm biến đổi gene với người tiêu dùng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai: “Chúng ta đưa ra khuyến cáo: Nếu sản phẩm nào có quá 5% thành phần trong sản phẩm thì phải dán nhãn công bố. Điều này là sự tôn trọng người tiêu dùng để họ có quyền lựa chọn”.
Theo nhiều nhà khoa học, quá trình biến đổi gene diễn ra liên tục trong tự nhiên. Nhưng nhờ có sự can thiệp của công nghệ sinh học, nên có thể cho ra những sản phẩm như mong muốn, đó là việc hữu ích, không đáng lo ngại.