Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hỗ trợ tốt nhất cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 03/03/2020 20:00 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ sẽ sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN để thực hiện đươc mục tiêu kép Việt Nam vừa là một đất nước an toàn vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 3/3, phát biểu kết luận Phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: "Hết sức thận trọng nhưng cũng không bi quan" trong thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định, Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Cho nên, ngay từ đầu, bên cạnh việc tham vấn Tổ chức Y tế thế giới và nhiều tổ chức khác nhau về phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã bình tĩnh và rất tỉnh táo trong đánh giá dịch bệnh này theo nhãn quan của mình, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho mọi khả năng từ rất sớm. Vì thế, đến nay, Việt Nam vẫn cơ bản kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, hàng không, vận tải, du lịch - dịch vụ bị ảnh hưởng nặng và một số ngành sản xuất bị gián đoạn nguồn cung. Nếu dịch bệnh ở các nước còn kéo dài thì sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho du lịch, dịch vụ và công nghiệp cũng như thương mại và đầu tư, nhất là làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất do đứt gãy nguồn cung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Thủ tướng và Chính phủ thấu hiểu những khó khăn này của doanh nghiệp nhất là hàng không và du lịch, thế nhưng, Chính phủ không còn cách nào khác, vì nếu để dịch COVID-19 lây lan thì tính mạng của người dân sẽ bị đe dọa và kinh tế - xã hội sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa. Song, với tinh thần thận trọng nhưng không bi quan, Chính phủ sẽ sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thực hiện được mục tiêu kép Việt Nam vừa là một đất nước an toàn vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hỗ trợ tốt nhất cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Các thành viên Chính phủ cho biết, dự báo, do dịch COVID-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo thiệt hại khoảng 30 tỷ USD, du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Đối với Việt Nam, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đã giảm 0,17%, thu ngân sách tăng 9% và xuất khẩu vẫn tăng 2,4%. Trong khi đó, cung - cầu ngoại tệ vẫn được bảo đảm, còn tăng trưởng tín dụng mấy ngày gần đây đã tăng trở lại, báo hiệu sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi. Nhưng các thành viên Chính phủ đánh giá, chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam bị tác động tiêu cực mạnh như hiện nay.

Các thành viên Chính phủ cơ bản nhất trí với dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ gói hỗ trợ lên gần 27.000 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được giãn, hoãn, chậm nộp thuế, chậm đóng bảo hiểm xã hội và tiền thuê đất. Trong Chỉ thị dự kiến được Thủ tướng ký ban hành trong ngày 4/3 sẽ cho phép miễn phí và lệ phí, trong đó có phí tại các điểm tham quan, đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước không kiểm tra doanh nghiệp nếu không có dấu hiệu vi phạm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để ứng phó với tình hình bất lợi do dịch bệnh, Chính phủ sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với gói hỗ trợ tín dụng hơn 10 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính nâng gói hỗ trợ giãn, hoãn, chậm nộp thuế từ gần 27.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng. Thủ tướng cũng yêu cầu trong lúc khó khăn này, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn, đồng thời tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp để biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng. Bởi đây là thời gian các doanh nghiệp bị nén lại như một chiếc lò xo, khi có thời cơ thì sẽ bật ra rất mạnh để phát triển.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vì hiện nay đang có tới 600.000 tỷ đồng mà mới chỉ giải ngân được khoảng 7%. Nếu đẩy nhanh giải ngân được lượng vốn rất lớn này, cùng với vốn ODA sẽ kích thích được đầu tư từ khu vực tư nhân và tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế.

Cùng với yêu cầu các Bộ bảo đảm thực hiện được chỉ tiêu về thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái đàn lợn và làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi để giảm giá bán thịt lợn. Vì hiện nay, nguồn cung chỉ còn thiếu hụt khoảng 5%, còn giá thành nuôi lợn hơn trung bình chỉ có 35.000 đồng/kg, tuy nhiên, do khâu giết mổ chưa minh bạch nên giá bán thịt lợn hiện nay bị đẩy lên quá cao, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Việc kiểm soát giá thịt lợn có yếu tố quyết định đối với việc kiểm soát lạm phát hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hỗ trợ tốt nhất cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ - Ảnh 2.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng với nhiều chính sách thí điểm đặc thù, thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và được phân cấp mạnh hơn đi cùng với giám sát chặt chẽ hơn của Quốc hội và Chính phủ. Nghị quyết này nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được ban hành cách đây hơn 1 năm.

Chính phủ cũng nhất trí tạm ứng lương và một số chi phí cần thiết cho cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam để thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và trả nợ lương cho công nhân. Thủ tướng giao các bộ sớm trình phương án giải quyết toàn diện vấn đề này theo quy định của pháp luật.

Cũng tại phiên họp kéo dài đến quá 19h hôm nay (3/3), Chính phủ đã cho ý kiến vào 4 dự án luật trong đó có dự Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và dự án Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước