Thiếu quy hoạch vùng dược liệu, người dùng phải trả giá cao

Đặng Tú-Thứ ba, ngày 14/01/2014 16:05 GMT+7

11 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu 1,7 tỷ USD nguyên phụ liệu và dược phẩm, do đó người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thuốc ngoại nhập với giá cao.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Trong khi thực tế hiện nay, trên 90% nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp dược phẩm là nhập khẩu. Qua 11 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu 1,7 tỷ USD nguyên phụ liệu và dược phẩm. Do đó người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thuốc ngoại nhập với giá cao.

Công ty Cổ phần Nam Dược đã sản xuất được một loại thuốc trị bệnh hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường có tên gọi là Diabetna hoàn toàn bằng nguồn nguyên liệu hóa dược do doanh nghiệp tự chiết xuất từ dây thìa canh.

Vùng dược liệu rộng 5 ha đủ cho doanh nghiệp thu hoạch khoảng 20 tấn dây thìa canh để sản xuất thuốc đáp ứng khoảng 80% năng suất. Hiện nay, không chỉ có vùng dược liệu dây thìa canh, mà các nguồn dược liệu khác ngoài tự nhiên cũng không được chuẩn hóa về chất lượng cho sản xuất thuốc, nhưng việc mở rộng vùng dược liệu cũng đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

‘ Mua bán dược liệu tại Quận 5, TP.HCM. Ảnh: Lao động

Ông Hoàng Minh Châu, TGĐ công ty cổ phần Nam Dược cho biết: “Định hướng của chúng tôi là dùng thuốc nam là chính, hạn chế sử dụng dược liệu thuốc bắc hoặc thuốc nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc trồng dược liệu cũng rất khó khăn, không dễ dàng như trồng các cây khác nên việc chọn vùng sinh thái để trồng cây dược liệu có chất lượng tốt là khá khó khăn”.

Từ một nước xuất khẩu dược liệu vào những năm 1960-1970, hiện Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn nguyên dược liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc chữa bệnh tới 85%, thậm chí cả đông y cũng phải mua dược liệu, thế nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc từ dược liệu của nước ta chỉ đạt 50%, 50% còn lại phải nhập khẩu, đặc biệt là các loại biệt dược, nguyên liệu đầu vào và các loại hoạt chất để sản xuất thuốc.

Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước; thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%. Đồng thời, vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.

Ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết: “Các doanh nghiệp hóa dược sẽ được hưởng một loạt các cơ chế ưu đãi, ví dụ như dự án kháng sinh. Nếu phát triển dự án kháng sinh, doanh nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi, lượng kháng sinh sản xuất ra được ưu tiên trong các chương trình quốc gia”.

Theo đề án, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành dược sẽ tăng cường quản lý toàn diện chất lượng thuốc, tăng cường các giải pháp để bảo đảm thuốc lưu hành trên thị trường có chất lượng. Trong thời gian tới, Nhà nước cũng sẽ chú trọng đầu tư một số dự án như: Xây dựng, nâng cấp các trung tâm nghiên cứu sinh khả dụng và đánh giá tương đương sinh học của thuốc đạt chuẩn; Đề án thành lập 2 trung tâm nghiên cứu quốc gia công nghệ sinh học và Biosimilar trong lĩnh vực dược... Như vậy, nguồn dược liệu cho các đơn vị sản xuất thuốc sẽ được đảm bảo. Từ đó, người tiêu dùng sẽ được sử dụng thuốc trong nước sản xuất với giá phù hợp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước