Nông dân các địa phương cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để hoàn thành gieo cấy cho vụ Đông Xuân. (Ảnh: VGP)
Theo đó, các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch gieo cấy lúa Đông Xuân và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, hoàn thiện đề án tái cấu trúc ngành.
Tổ chức tốt lấy nước đợt 3 (từ ngày 8-16/2) phục vụ làm đất gieo cấy; điều tiết, khoanh vùng và có phương án hợp lý lấy nước cho các vùng trũng, vùng gieo sạ, gieo vãi, không để tình trạng úng làm chết lúa mới cấy.
Đối với diện tích mạ Đông Xuân muộn, mạ nền đã đến tuổi cấy tranh thủ thời tiết nắng ấm, cấy nhanh diện tích mạ đã có trên 3 lá. Trước cấy từ 3 đến 4 ngày, tháo bỏ ni lông che để luyện mạ, ngày trời nắng ấm nên vén ni lông che để thoáng, giảm độ ẩm trong vòm; phun phòng bệnh đạo ôn cho diện tích mạ trên những giống nhiễm đạo ôn (BC15, BT7, HT1...) trước khi cấy bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật địa phương.
Riêng diện tích mạ đã bị nhiễm bệnh đạo ôn cần hủy bỏ, gieo bổ sung giống khác thay thế hoặc gieo thẳng, gieo vãi. Các địa phương tập trung hoàn thành gieo cấy lúa Đông Xuân trong tháng 2. Nếu nhiệt độ dưới 15 độ C phải tuyên truyền nông dân tuyệt đối không cấy, gieo thẳng, áp dụng các biện pháp hãm mạ hoặc hãm mộng đã ngâm ủ.
Cùng với đó, các địa phương cần tranh thủ những khoảng thời gian thời tiết ấm lên để chuẩn bị ruộng nhanh cho cấy hoặc gieo sạ, gieo thẳng, tránh tình trạng “mạ chờ ruộng”.
Đối với diện tích lúa đã cấy và diện tích gieo thẳng, khi lúa có 2 đến 3 lá cần giữ nước trên mặt ruộng từ 2cm đến 3cm; sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm theo hướng dẫn; không bón thúc khi nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C; bón bổ sung lân supe nếu nền nhiệt dưới 20 độ C kéo dài, kết hợp phun bổ sung các loại phân qua lá, chất hỗ trợ sinh trưởng.
Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo nông dân làm đất kỹ, tăng cường bón lót phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân lân, phân NPK có hàm lượng lân cao bón lót trước khi cấy, nơi đất chua phèn nên bón thêm vôi bột.