Cùng với các lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển khác, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phải liên tục làm việc cả ngày đêm mỗi khi thời tiết xấu xảy ra. Chỉ trong 4 ngày, từ 26-30/8 vừa qua, lực lượng này đã phối hợp cứu hộ đưa vào bờ 40 ngư dân.
Trong số những tàu thuyền bị nạn được cứu hộ kịp thời đưa vào bờ an toàn có tàu cá số hiệu QNA-95889TS do ông Phan Thu làm thuyền trưởng. Tàu của ông bị hỏng cốt máy, trôi dạt tự do ở vùng biển Trường Sa, cách bờ biển Nha Trang gần 140 hải lý. Nguy cấp hơn, ở thời điểm tàu bị nạn lại có một vùng áp thấp mới hình thành trên biển. Nếu cứu hộ chậm trễ, không biết số phận của những con người này sẽ ra sao.
Không có được may mắn như tàu cá ngư dân tỉnh Quảng Nam, cách đây chưa lâu, 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Thuận vừa xuất bến hướng về ngư trường Trường Sa để khai thác thủy sản, nhưng chỉ di chuyển được vài hải lý đã bị sóng biển nhấn chìm. Dù đã được các cơ quan tìm kiếm nạn của Trung ương và địa phương huy động hết các nguồn lực để tìm kiếm, song có đến 7 người chết và mất tích trên biển.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam cũng thừa nhận năng lực tìm kiếm cứu nạn của nước ta hiện nay vẫn còn thiếu và yếu. Bởi đơn vị này được giao nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên suốt chiều dài của bờ biển nước ta, với hơn 3.260 km nhưng chỉ có 7 phương tiện cứu hộ chuyên dụng.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam cho biết: “Với điều kiện thời tiết hết sức phức tạp và trên 100.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển là một thách thức với chúng tôi. Có thể nói phương tiện tìm kiếm hết sức thiếu, yếu và mỏng”.
Trong năm 2013, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã hỗ trợ tìm kiếm đưa vào bờ an toàn cho hơn 700 người. Diễn biến thời tiết ngày một phức tạp, nguy cơ tàu thuyền bị nạn trên biển sẽ còn gia tăng. Vì thế, bên cạnh tăng cường năng lực tìm kiếm cứu nạn của Nhà nước thì việc nâng công suất tàu thuyền để tăng khả năng chống chịu trên biển là hết sức quan trọng.