Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X. (Ảnh: VGP)
Để sơ kết Nghị quyết này, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm 23 thành viên do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, bám sát nội dung chủ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ngày 19/3 vừa qua, Ban Chỉ đạo đã tổ chức Đoàn công tác nghe ý kiến tại 9 Bộ, ngành; 7 địa phương trọng điểm và 25 tập đoàn, tổng công ty, 9 ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương. Từ báo cáo của 14 Ban cán sự đảng các Bộ, ngành và báo cáo của các Tỉnh ủy, Thành ủy; báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Sau khi các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan đóng góp các ý kiến vào báo cáo sơ kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X là một vấn đề hết sức lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bởi Đại hội VI của Đảng là Đại hội đổi mới từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đây là vấn đề then chốt nhất của đổi mới của đất nước. Từ đó tới nay, có thể nói thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có một bước tiến dài, ngày càng rõ hơn, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Những năm qua, việc phát triển kinh tế theo thị trường đã đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thể chế kinh tế thị trường mà Đảng và Nhà nước đặt ra cái được lớn nhất là đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội suốt thời gian qua; trên nền tảng kinh tế thị trường chúng ta đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm được an sinh xã hội. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN được nâng lên; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ban hành tương đối đầy đủ; các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong báo cáo sơ kết cần làm rõ thêm những vấn đề lớn là: Những gì làm chưa tốt phải chỉ đích danh, cụ thể những gì chưa làm được theo nguyên tắc thị trường; những gì phải sửa, để thực sự là thị trường, thực sự là minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, nhất là vấn đề về giá, nếu chưa thực hiện theo thị trường phải tiến tới thực hiện giá thị trường; việc phân bổ nguồn lực cũng phải phân bổ theo nguyên tắc thị trường; đã là kinh tế thị trường phải vận hành đầy đủ theo quy luật thị trường. Bên cạnh đó, định hướng XHCN vấn đề gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với định hướng kinh tế thị trường, đây là vấn đề về xã hội, là vấn đề con người; quan điểm của Đảng ta hết sức đúng đắn là tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, vì con người, lấy con người làm trung tâm; trong từng chính sách, từng dự án, từng bước phát triển phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý việc tổng kết Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng cần phải làm rõ thêm một bước về vấn đề Nhà nước và thị trường; Nhà nước làm tới đâu, làm những gì; cái nào là thị trường phải theo quy chế kinh tế thị trường, đồng thời cũng phải làm rõ vấn đề về dân chủ trong kinh tế; vấn đề về hội nhập quốc tế và độc lập tự chủ.