Cuối tháng 10 vừa qua, hải sản Việt Nam đón nhận thông tin không vui khi Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức "rút thẻ vàng" đối với mặt hàng này. Đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam vì nếu trong 6 tháng tới Việt Nam không khắc phục được hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, đồng nghĩa với việc hải sản không còn đường vào EU.
Hôm nay (7/12), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện 28 tỉnh, thành phố ven biển đã họp tại Thành phố Vũng Tàu. Một vấn đề lớn tại hội nghị đó là tăng cường năng lực cho các cảng cá trong việc tham gia vào quản lý hoạt động khai thác thủy sản, đặc biệt là việc thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Các báo cáo tại Hội nghị ngày hôm nay cho thấy, hiện nay, trên cả nước có 82 cảng cá, tuy nhiên hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các cảng cá vẫn chưa được xây dựng. Một vấn đề nữa đó là quy định về vai trò cũng như quyền hạn của các ban quản lý cảng cá đối với các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp cũng chưa có.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cảng cá và căn cứ vào các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), Luật Thủy sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã quy định rõ, tàu khai thác ở vùng lộng trở ra sẽ phải cập cảng do Bộ NN&PTNT chỉ định. Ngư dân bắt buộc có thiết bị giám sát hành trình và ghi nhật ký khai thác. Ban quản lý cảng cá sẽ chịu trách nhiệm thu nhận nhật ký khai thác hải sản của ngư dân, thống kê số lượng hải sản cập cảng, từ đó, thực hiện các bước truy xuất nguồn gốc. Ban quản lý các cảng cá còn có quyền từ chối không cho bốc dỡ sản phẩm tại cảng đối với tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, đồng thời, thông báo cho cơ quan thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, các cảng cá còn có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng để giám sát hoạt động của tàu cá trước khi rời cảng và cập cảng. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong khi chờ Luật Thủy sản sửa đổi chính thức có hiệu lực, thời gian tới, vấn đề đầu tư xây dựng và nâng cấp các cảng cá sẽ được đặc biệt chú trọng, vì hiện nay, số lượng cảng mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu. Ngoài ra, một phần mềm để kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cảng cá cũng sẽ được xây dựng để tăng cường kiểm soát các tàu cá vi phạm khi cập cảng.
Việc truy xuất nguồn gốc hải sản tại các cảng cá là một việc rất cần thiết và nhiều đơn vị cùng cam kết sẽ nỗ lực thực hiện quy định này. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho biết sẽ ký thỏa thuận hợp tác với các cảng cá để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc không thu mua, không chế biến và không xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản có nguồn gốc bất hợp pháp. Mặc dù vậy, làm thế nào để hỗ trợ các cảng cá thực hiện các quy định này đang rất cần sự hợp tác của ngư dân, các địa phương và cơ quan chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!