Đầu năm 2012, nhiều chủ đầu tư bất động sản vẫn đang phải đối mặt với những khoản nợ ngân hàng. Không loại trừ khả năng để tồn tại, họ sẽ phải tìm cách bán đi những dự án bất động sản của mình với cái giá sẽ dễ chịu hơn rất nhiều so với chỉ một năm trước đây.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT công ty CP tư vấn bất động sản SohoVietnam cho biết: "Nhiều chủ đầu tư đang đối mặt với tình trạng hàng không thể bán được dự án, nợ ngân hàng đang hối thúc, nợ của những nhà thầu... Như vậy, chắc chắn họ sẽ phải bán các dự án bất động sản của mình với giá rất rẻ".
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, chính trong lúc nhiều chủ đầu tư dự án đang phải chịu áp lực hạn chót trả nợ ngân hàng lại là cơ hội cho những người có tiền mặt lúc này hay các nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang nhắm đến các dự án bất động sản hạ giá của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS nói: "Đây chính là cơ hội cho những tập đoàn nước ngoài hoặc các nhóm nhà đầu tư có tiền hợp lực lại mua các dự án giá rẻ, chất lượng, đất lại sạch".
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thời điểm các chủ dự án đang muốn đảo nợ ngắn thành dài, cơ cấu lại các khoản nợ và có thể phải bán lại các dự án như thế này cũng sẽ là thời điểm hoạt động mạnh của các công ty mua bán nợ của ngân hàng.
Ông Phan Xuân Cần cho biết thêm: "Lúc này, các công ty mua bán nợ, công ty sân sau của ngân hàng sẽ trở thành cổ đông của các dự án bất động sảnn nhưng cũng sẽ có những dự án không thể bán được".
Không phải dự án nào cũng bán được lúc này vì đây đang là thời điểm của người mua. Người mua đang được đặt ra các điều kiện. Sau 3, 4 năm sốt nóng, có thể nói đây đang là giai đoạn sàng lọc khủng khiếp đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, như quy luật thường thấy trên thị trường, khó khăn của người này có thể lại chính là cơ hội của kẻ khác.