Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. (Ảnh: VGP)
Nghị quyết xác định nguyên tắc xử lý nợ xấu là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Nghị quyết nhấn mạnh, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, với tỷ lệ đa số các đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội ghi nhận nỗ lực, các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện các cam kết, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Cũng trong sáng 21/6, với tỷ lệ đa số các đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 và thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát về quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!