Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á. (Ảnh: Baophapluat)
Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (gọi tắt là CICA) vừa diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc các nhà lãnh đạo đến từ 26 quốc gia thành viên của CICA, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các nước quan sát viên đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải xây dựng xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển ở châu Á khi mà biển Đông đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất về an ninh đối với các quốc gia ở châu lục này.
Châu Á đang bất ổn. Những diễn biến mới phức tạp như các tranh chấp chủ quyền, biển đảo, vấn đề hạt nhân, thêm vào đó là các mối đe dọa phi truyền thống như khủng bố quốc tế, hội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường ngày càng nổi lên gay gắt. Đặc biệt, hành động gây hấn mới của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam thực sự tăng thêm mối quan ngại đối với khu vực này.
Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Tình hình căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan trái với luật pháp quốc tế sâu trong thềm lục địa của chúng ta. Điều này làm cho dư luận quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Á hết sức là lo ngại. Đây là một thực tế khách quan và chính vì thế nên là các nước thành viên có trách nhiệm của CICA không thể làm ngơ và họ đều đã lên tiếng”.
Là thành viên CICA, tại hội nghị lần này, đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm trưởng đoàn đã làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ lập trường, quan điểm xây dựng, có trách nhiệm và thiện chí của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam mong muốn các bất đồng và tranh chấp hiện nay ở khu vực được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, các nước tôn trọng độc lập chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói: “Rõ ràng tình hình biển Đông vừa qua đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực. Có thể nói là chính vì nền hòa bình an ninh, ổn định ở toàn khu vực châu Á đang bị đe dọa. Hơn lúc nào hết sự tham gia của Phó Chủ tịch nước ta tại hội nghị là hết sức cần thiết. Trong khi chúng ta kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của đất nước thì đồng thời chúng ta cũng có những nỗ lực để giảm căng thẳng, giảm nguy cơ đối đầu và thúc đẩy xu thế đối thoại nhằm duy trì hòa bình và đem lại ổn định cho khu vực”.
Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cam kết sẽ giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng tại Biển Đông và biển Hoa Đông một cách hòa bình. Lời cam kết được đưa ra trong bối cảnh giàn khoan Hải Dương 891 cùng nhiều tàu, cùng máy bay quân sự hộ tống của nước này vẫn ngang nhiên hoạt động trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.