Phát huy tối đa đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài

Trần Xuân-Thứ tư, ngày 21/05/2014 11:18 GMT+7

Chủ tịch nước nêu rõ, cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết về công tác đối với NVNONN. Ảnh: ĐCS

Khoảng 300 lượt trí thức kiều bào về nước hợp tác, nghiên cứu khoa học, giảng dạy mỗi năm. Đã có khoảng 3.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào với trị giá khoảng 8,6 tỷ USD. Kiều hối gửi về Việt Nam tăng trung bình 10-15%/năm. Năm 2013 đạt gần 11 tỷ USD, chiếm 1/10 GDP, đưa Việt Nam thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Đó là một số kết quả đáng chú ý sau 10 năm triển khai NQ số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

10 năm qua, Nghị quyết 36 đã được các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương tích cực triển khai với việc ban hành những cơ chế chính sách cũng như tiến hành các bước đi cụ thể. Nhờ đó, các công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã từng bước được kiện toàn và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhiều chủ trương, chính sách đã được cộng đồng người Việt ở nước ngoài đánh giá cao như miễn thị thực, giữ quốc tịch, ưu đãi đầu tư, sở hữu nhà ở… các hoạt động đặc biệt cho kiều bào như “Xuân quê hương”, “Trại hè Việt Nam” hay “Kiều bào với biển đảo quê hương”, Giỗ tổ Hùng Vương đã được tổ chức hàng năm, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; Các hội nghị về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành đã thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào.

Là bộ phận không tách rời của của cộng đồng dân tộc Việt Nam, kiều bào cũng đã tham gia vào nhiều hoạt động chính trị của đất nước như đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, các văn bản pháp luật, mới đây nhất là tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1982.

Với sự hỗ trợ, động viên từ trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia tích cực và đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì và phát triển phong trào sử dụng tiếng Việt hướng tới thế hệ trẻ.

Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, nhiều cuộc tiếp xúc giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, kể cả những người có quan điểm khác biệt đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trở thành những nhân tố quan trọng làm cầu nối, hỗ trợ cho mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các quốc gia sở tại trên mọi lĩnh vực.

Nhìn lại 10 năm thực hiện, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực cả về tư duy và hành động cụ thể.

Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Công tác thông tin - văn hóa mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng và những mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra. Ở nhiều nơi bà con vẫn phải tự thân vận động. Một số chủ trương, chính sách đúng đắn đối với kiều bào như chính sách thu hút đầu tư, vẫn chưa có được cơ chế triển khai phù hợp, thực sự tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích được hơn nữa bà con kiều bào tham gia.

Mặc dù vậy, có thể khẳng định, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã góp phần củng cố niềm tin, khích lệ lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm của kiều bào trong các hoạt động xây dựng cộng đồng và hướng về đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tin tưởng, ủng hộ, đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển và hội nhập của đất nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước