Ảnh minh họa.
Lượng vaccine phân bổ nhiều nhất cho các tỉnh: Gia Lai, Cao Bằng, Hà Giang, Đăk Lăk, Lai Châu và Thanh Hóa.
Cục Thú y đề nghị sở NN&PTNT báo cáo UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch phòng chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan và Chi cục Thú y tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng theo đúng quy định.
Đối với gia súc tiêm phòng lần đầu, bắt buộc các hộ chăn nuôi phải tiêm nhắc lại lần 2 sau 28 ngày. Vaccine sử dụng lần 2 phải cùng loại với vaccine lần 1. Sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại nhằm tạo miễn dịch kép, kết quả tiêm phòng phải đạt tỷ lệ trên 80% so với tổng đàn.
Cũng theo kế hoạch, lượng vaccine trong Chương trình quốc gia khống chế bệnh lỡ mồm long móng đợt 2, sẽ được phân bổ cho 19 tỉnh vùng đệm với tổng số lượng hơn 1 triệu liều.
Liên quan đến dịch bệnh tai xanh diễn ra tại tỉnh Thái Bình, vừa qua lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Dịch trên địa bàn 2 xã này bước đầu đã được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, đến nay dịch bệnh đã phát sinh ở 66 hộ chăn nuôi với tổng số lợn mắc bệnh là 144 con trong tổng đàn gần 500 con. Ngay sau phát hiện dịch tai xanh, tỉnh Thái Bình đã khẩn trương khoanh vùng, chống dịch. Đến ngày hôm qua (10/4), các xã không phát sinh thêm lợn ốm mới, số lợn bị ốm ở 2 xã đã cơ bản được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.
Tuy nhiên, do Thái Bình có các bến đò, phà giáp ranh với Nam Định - nơi đã xuất hiện dịch lợn tai xanh, nên nguy cơ phát sinh và lây lan rộng dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất cao.