Nhức nhối gas giả

Liên Liên-Thứ tư, ngày 09/09/2009 16:49 GMT+7

Trong 1 bản tin thời sự trước đây, chúng tôi đã từng phản ánh về tình trạng tái chế vỏ bình gas dởm ở Hoà Bình. Bằng hình thức thu gom vỏ bình gas của các hãng khác rồi cải biến thành của mình, xưởng chuyên tái chế vỏ bình gas dởm đã thu được hàng tỷ đồng mỗi tháng. Cũng với mức siêu lợi nhuận và mất an toàn như hình thức này, hôm nay chúng tôi tiếp tục thông tin tới quý vị và các bạn về nạn sang chiết gas giả, một hình thức dùng bình của các hãng khác rồi sang chiết trái phép, không qua kiểm định an toàn. Phóng sự được thực hiện tại Huyện Bến Cát Tỉnh Bình Dương.

Được che chắn bởi 2 lớp tường xây theo kiểu lô cốt rất kiên cố và kín đáo. Cánh cổng chỉ được mở khi có xe quen vào lấy gas. Mọi hoạt động của trạm sang chiết gas giả tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương được bảo vệ cảnh giác một cách tối đa.

Rất nhiều vỏ bình gas của các hãng đang được sang chiết trái phép. Theo đúng quy trình, trước khi nạp gas, công nhân sẽ phải kiểm tra, phân loại những bình gỉ sét, móp méo hay còn hạn sử dụng hay ko, tuy nhiên ở đây công đoạn này đã bị bỏ qua. Chỉ sau vài chục phút, những chiếc bình được các công nhân ở đây gắn niêm phong giả nhanh, và chính xác 1 cách chuyên nghiệp.

“Việc sang chiết gas trái phép rất nguy hiểm. Nếu xảy ra cháy nổ thì gas giả rất khó xác định là bình gas đó do công ty hay do trạm nạp nào, vì lúc cháy nổ thì chỉ còn tên tuổi trên bình gas đó mà thôi”, ông Trần Trung Chính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas phát biểu.

Thực tế tình trạng sang chiết gas trái phép đã và đang diễn ra rất phổ biến. Thời gian sang chiết thường diễn ra vào buổi trưa hoặc ban đêm nên rất khó để có thể phát hiện được những trạm sang chiết gas giả này.

Gần đây, Công an Kiên Giang đã phát hiện được vụ sang chiết gas trái phép với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Chỉ hơn 2 tháng, trạm nạp An Hải đã sang chiết gần 36.000 bình gas giả. Vấn đề ở đây là hình thức xử lý đối với hành vi đặc biệt nghiêm trọng này.

“Đây là vụ sang chiết gas trái phép được phát hiện lần đầu tiên, trong việc xử lý còn gặp nhiều vướng mắc vì hiện nay văn bản pháp luật quy định chưa rõ vấn đề giả nhãn hiệu”, ông Hình Minh Tân, Phó trưởng phòng CSKT Công an Tỉnh Kiên Giang cho biết.

Ước tính, lợi nhuận bất chính thu được từ hành vi này cũng vài tỷ đồng 1 tháng từ 1 trạm nạp quy mô bình thường. Với mức siêu lợi nhuận và thiếu hành lang pháp lý trong việc xử phạt tình trạng gas giả là một trong những nguyên nhân khiến nạn sang chiết gas trái phép có cơ hội tái diễn.

Theo thống kế Hiệp hội Gas, hiện nay khoảng 30% số bình gas trên thị trường là gas giả. Chỉ có 1 dấu hiệu duy nhất để phân biệt giữa gas giả và gas thật là bằng cách xác định niêm phong gắn trên miệng bình gas. Tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng thường không quan tâm tới yếu tố này mỗi khi đổi bình gas. 30% số bình gas giả trôi nổi trên thị trường là 30% người sử dụng gas đang hàng ngày phải đối mặt với sự nguy hiểm từ những bình gas không được kiểm định an toàn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước