NHNN chính thức công bố tỷ lệ nợ xấu

Mạnh Hùng-Thứ năm, ngày 12/07/2012 20:10 GMT+7

8,6% (tương đương 202 nghìn tỷ đồng) là con số nợ xấu hiện nay của Việt Nam mà cơ quan Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức công bố.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, do những khó khăn kinh tế trong và ngoài nước nên tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam hiện bằng 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Con số này đã khiến không ít người phải đặt câu hỏi tại sao đang tồn tại nhiều con số khác nhau về nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Lý giải nguyên nhân, tại sao có thống kê nợ xấu vào thời điểm tháng 5 là 4,47%, có số liệu lại là trên 10%, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, nguyên nhân của sự chênh lệch này là tiêu chí định tính trong quy định phân loại nợ hiện nay, có những tiêu chí về định lượng (là tuổi nợ) và định tính khả năng trả nợ khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, con số 4,47% đến 31/5 năm 2012 là con số nợ xấu các TCTD báo cáo qua hệ thống thống kê. Còn qua hệ thống giám sát từ xa của NHNN, cụ thể 31/3/2012 con số nợ xấu qua hệ thống giám sát là 8,6%.
Do đó, thậm chí có cùng bảng cân đối với số liệu như nhau đối với các khoản vay, nhưng các TCTD đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vẫn khác nhau.
Điều đáng quan tâm nữa, đó là khoản nợ xấu 202 nghìn tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD này có thực sự đáng lo ngại và có gây ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng cũng như nền kinh tế?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Quyền Chánh thanh tra giám sát NHNN cho rằng, dự phòng rủi ro và tài sản bảo đảm sẽ giúp cho nợ xấu không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thế nhưng, việc một khoản tiền lớn lên tới trên 200 nghìn tỷ đồng không thể đưa vào lưu thông, bị chôn ở các tài sản đảm bảo sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Do vậy, vấn đề hàng đầu được đặt ra cho NHNN vào lúc này làm sao xử lý giảm bớt tỷ lệ nợ xấu này.
Cũng theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu 8,6% của Việt Nam tuy có cao và đang có chiều hướng tăng, nhưng nếu so với một số nước trong khu vực vào thời điểm chính phủ cũng phải đứng ra xử lý nợ xấu thì vẫn thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, Thái Lan vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 1999, nợ xấu lên tới 47,7%; Indonesia trên 50%; Hàn Quốc năm 1998 là 17% và Malaysia trên 11,4%... Và thực tiễn xử lý nợ xấu của các quốc gia này trong thời gian qua cũng sẽ là kinh nghiệm tốt để Việt Nam học tập.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước