Nhiều người dân xã Kỳ Sơn phải nhập viện để lọc máu do nhiễm độc. Ảnh: VOV
Trạm y tế xã Sơn Kỳ xác nhận, anh Túc tử vong là do nhiễm độc từ thuốc trừ sâu với các triệu chứng nôn mửa, choáng váng, huyết áp thấp.
Ông Đinh Văn Bum, Trạm trưởng trạm y tế xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi cho biết: “Khi phun thuốc cỏ già, anh Túc không đeo khẩu trang để bảo hộ lao động, trong khi một ngày phun tới 7-8 bình. Vừa qua, nhân viên y tế xã cũng lên truyền dịch cho 6-7 người nhiễm độc, đến nay sức khoẻ tạm ổn”.
Cũng bị nhiễm độc như anh Túc, sau khi phun thuốc diệt cỏ trên rẫy, đôi mắt của ông Đinh Văn Rên, thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ đã bị mờ. Sau khi cấp cứu ở trạm y tế địa phương, ông Rên đã trở về nhà nhưng đến giờ vẫn chưa hồi phục.
Ông Rên cho hay, ông “đi lên rẫy vừa mới phun thuốc thì thấy người choáng váng, đau đầu rồi mắt cứ mờ dần. Tôi nghĩ chắc mình bị nhiễm độc từ thuốc diệt cỏ bà con mình phun trên núi”.
Theo thống kê của UBND xã Sơn Kỳ, tại thôn Làng Riềng có 2 trường hợp tử vong, 9 trường hợp bị mờ mắt, nôn, hư thai nghi bị nhiễm độc từ thuốc diệt cỏ.
Thuốc trừ cỏ mà các hộ dân ở thôn Làng Riềng sử dụng chủ yếu là thuốc hiệu KANUP 480SL có xuất xứ từ Mỹ do công ty Việt Thắng - Bắc Giang sang chai. Qua kiểm tra của cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện Sơn Hà, thuốc này nằm trong danh mục được phép sử dụng nhưng độc tố rất cao. Người dân Sơn Kỳ đã sử dụng loại thuốc này để phun trên diện tích hơn 400 ha đất núi để trồng mì. Trạm bảo vệ thực vật Sơn Hà đã lấy mẫu chai để kiểm tra.
Ông Phạm Lực, Trưởng trạm bảo vệ thực vật Sơn Hà, Quảng Ngãi cho biết: “Người tiếp xúc với thuốc này không cẩn thận khi dính vào da sẽ dẫn đến bị ngứa, dị ứng, nếu bị nặng sẽ gây nôn mửa, nặng hơn là tử vong”.
Điều đáng nói là hiện nay có rất nhiều hộ dân đồng bào H’re ở huyện miền núi Sơn Hà phun thuốc không đúng cách, liều lượng, khi phun không có bảo hộ lao động. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều người bị nhiễm độc sau tiếp xúc với thuốc trừ cỏ tại địa phương này.