Nhật Bản tăng cường FDI chất lượng cao vào Việt Nam

Hữu Bằng-Thứ hai, ngày 26/03/2012 14:00 GMT+7

Những con số thống kê mới cho thấy, FDI Nhật Bản vào VN sẽ còn tiếp tục tăng bởi chất lượng dòng vốn cũng như cơ cấu đầu tư FDI Nhật Bản rất phù hợp với định hướng thu hút FDI của VN.

Sau thảm họa động đất và sóng thần 11/3/2011, Nhật Bản cần một nguồn lực rất lớn để tái thiết đất nước. Tuy nhiên, những con số thống kê và những điều tra gần đây đều cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào VN đã tăng rất nhanh trong thời gian qua. Lý giải hiện tượng này, Bộ KH&ĐT nhìn nhận, chắc chắn FDI Nhật Bản vào VN sẽ còn tiếp tục tăng bởi chất lượng dòng vốn cũng như cơ cấu đầu tư FDI Nhật Bản rất phù hợp với định hướng thu hút FDI của VN. Hàm lượng công nghệ và tác động lan tỏa đối với nền kinh tế luôn khiến chất lượng FDI Nhật Bản cao hơn FDI đến từ các quốc gia khác.

Công nghiệp chế biến, chế tạo, những ngành có hàm lượng công nghệ cao cũng chiếm tới 86,3% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI Nhật bản tại VN. Theo Bộ KH&ĐT, nếu như năm 2008, tổng số vốn FDI của NB mới chỉ đạt hơn 17 tỷ USD thì đến hết năm 2011, con số này đã là gần 24 tỷ USD. Và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản đã chiếm tới 88% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam với gần 1,1 tỷ USD.
Nhìn nhận những con số thống kê này, Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài đánh giá, FDI của Nhật Bản vào VN tăng nhanh vì cơ cấu đầu tư phù hợp với định hướng FDI của Việt Nam.
TS. Phan Hữu Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài cho biết: “Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hiện nay có tới 86% tập trung vào công nghiệp chế tạo và chế biến. Việc này hoàn toàn phù hợp với mục đích thu hút đầu tư của chúng ta đặt ra ngay từ đầu là xác định mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào VN, hướng tới các dự án công nghệ cao là yêu cầu đòi hỏi bắt buộc và qua thực tiễn thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, đầu tư Nhật Bản vào VN luôn có chất lượng cao hơn so với đầu tư đến từ các quốc gia khác”.
Đầu tư ra nước ngoài cũng là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay. Nhật Bản có 220.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế tạo nhưng vẫn còn tới gần 215.000 doanh nghiệp (tức là chiếm hơn 97%) chưa đầu tư ra nước ngoài trong khi thị trường trong nước đã bão hòa.
Ông Yoshifumi Tsujio - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA phân tích:“Lý do rất quan trọng là đồng Yên bắt đầu suy yếu, nếu không đầu tư ra nước ngoài thì sẽ tạo ra nhiều nguy cơ cho giá trị của đồng Yên, chính vì vậy mà các doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm cách đầu tư ra nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo thì đồng Yên càng mất giá càng khiến họ phải hướng ra nước ngoài bởi thị trường cho các sản phẩm chế tạo trong nước đang ngày càng bị thu hẹp, đồng thời phải giảm bớt chi phí sản xuất để cạnh tranh với hàng nhập khẩu và cạnh tranh với các doanh nghiệp chế tạo khác.”

Liên tiếp tại những Hội nghị đầu tư Nhật bản gần đây, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ để thu hút hơn nữa FDI Nhật Bản. Hiện nay, tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mới chỉ đạt 22% là do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu và không đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất Nhật Bản.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước