Nhiều người tiêu dùng còn chưa nhận thức được đầy đủ quyền của mình (Ảnh: Chất lượng VN)
Trước tình trạng xăng kém chất lượng được nhận định là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ xe, các cơ quan chức năng TPHCM đã triển khai thí điểm giải pháp bán xăng kèm hóa đơn. Hóa đơn mua bán xăng sẽ được xem là căn cứ xử lý nếu phát hiện chất lượng xăng có vấn đề, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày triển khai giải pháp này, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ, còn rất nhiều người tiêu dùng chưa biết quyền lợi chính đáng của mình được bảo vệ như thế nào khi mua hàng hóa có hóa đơn đi kèm.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên thường trú của Đài THVN tại TPHCM đã có mặt tại một trong số 10 địa điểm bán xăng kèm hóa đơn thử nghiệm của TPHCM.
Chỉ qua vài câu hỏi khảo sát nhanh các khách hàng, rất dễ nhận thấy, sau 10 ngày triển khai, không phải ai cũng biết giá trị của phiếu bán xăng này. Đa phần các câu trả lời đều là “chưa biết cách sử dụng phiếu này như thế nào”, hoặc khẳng định sẽ dùng phiếu để… đi kiện.
Cũng vì chẳng biết dùng làm gì, nên ngay sau khi nhận phiếu, người tiêu dùng thẳng tay… vứt xuống đất, ngay ở trạm xăng. Vậy là sau mỗi lần thay ca bán hàng tại cây xăng, người ta lại thấy la liệt những hóa đơn bán xăng vứt dưới đất.
Tuy nhiên, “vứt phiếu như vậy thứ nhất là mất mỹ quan, thứ 2 là mất vệ sinh, thứ 3 là an toàn phòng cháy. Nên cửa hàng có quy định sau từng ca, nhân viên bán hàng phải vệ sinh sạch sẽ”, ông Lê Ngọc Tuấn, cửa hàng trưởng cửa hàng bán xăng Quận 5 cho biết.
Vậy là từ khi bán xăng kèm hóa đơn, cửa hàng có thêm một quy định nữa là nhân viên phải thu dọn phiếu bán xăng sạch sẽ trước khi giao ca.
Thực trạng này cho thấy, hiện nay, nhiều người tiêu dùng chưa có ý thức về việc tự bảo vệ quyền lợi của chính mình khi mua hàng hóa.
Theo đại diện Hội chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM, khi tiến hành giao dịch hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng phải yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ. Đây là quy định bắt buộc của Luật bảo vệ Người tiêu dùng để khi có bất kỳ khiếu nại nào, người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc mua bán hàng hóa để làm cơ sở giải quyết vụ việc.
Ông Nguyễn Tường Minh, Tổng thư ký Hội cho rằng, “người tiêu dùng thường hay kêu ca nhưng mọi người rất ngại khiếu nại”. Ông kêu gọi, “đã đến lúc người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình”.
Cũng theo thông tin ông Minh cung cấp, người tiêu dùng nên mạnh dạn bảo vệ quyền lợi hơn bởi những trường hợp khiếu nại, khởi kiện đối với những vụ việc giao dịch dân sự dưới 100 triệu đồng, người tiêu dùng miễn tạm nộp án phí. Đây là biện pháp Nhà nước khẳng định về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công tác quan trọng và mọi người phải tự ý thức về bảo vệ chính mình.
Trong khi nhiều người kinh doanh còn chưa có ý thức và trách nhiệm trong việc kinh doanh thì hóa đơn sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để người tiêu dùng tự bảo vệ mình.
Việc quan sát, thu thập thông tin và lên tiếng đấu tranh chống lại hành vi gian lận trong kinh doanh không còn nằm trong phạm vi bảo vệ quyền lợi của một cá nhân nào mà đây còn là trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng lên án các hành vi gian lận, góp phần phát triển xã hội văn minh và lành mạnh hơn.
Tin bài liên quan: