Trước đây, mỗi ngày, thôn Cự Đà có khoảng 15 đến 18 tấn miến thành phẩm được xuất xưởng rồi tỏa đi khắp các chợ lớn, nhỏ của Hà Nội và nhiều tỉnh thành và mỗi xưởng sản xuất miến có thể thuê đến 10 nhân công, thì nay số hộ sản xuất miến trong thôn từ hàng trăm chỉ còn hơn hai chục.
Một chủ cơ sở sản xuất miến ở thôn Cự Đà, Thanh Oai cho biết: “Ngày xưa nghề làm miến phát triển nhiều, bây giờ cả xã chỉ còn hai ba chục hộ. Đất chật không làm được nghề nữa”.
Những dự án xây dựng đi qua làng, sự giàu có bất ngờ cũng đến với người dân. Nhà ít trên một tỷ, nhà nhiều 3,5-4 tỷ tiền đền bù đất từ khu đô thị mới Thanh Hà. Cự Đà bỗng chốc biến thành đại công trường, những văn phòng nhà đất đua nở, gần 200 ngôi nhà kiên cố 3,4 tầng san sát mọc lên trong không gian làng từ năm 2010. Nhà cao, chiếm nhiều diện tích và không gian, đặc biệt che chắn đáng kể ánh nắng, yếu tố quan trọng trong làm miến.
Một rủi ro nữa, người dân vốn quen với ruộng đồng, bỗng chốc hoang mang không biết làm gì để sinh sống khi bị thu hồi gần như toàn bộ diện tích đất canh tác. Với khoảng 1000 lao động dư thừa, thất nghiệp sau khi mất ruộng, đây thực sự là một bài toán quá khó đối với tương lai của Cự Đà.
Ông Đinh Văn Thuần, một người dân thôn Cự Đà chua chát nói: “Cầm được đồng tiền đền bù rồi không làm cái gì rồi cũng hết, thanh niên thất nghiệp chỉ ngồi ngáp vặt thôi”.
Cuộc sống của những người dân thôn Cự Đà chỉ là một ví dụ về việc lấy đất nông thôn cho các dự án. Có tiền tỷ, người dân nhanh chóng xây nhà, tậu xe nhưng sự bền vững hầu như không có, khi họ không hề được chuẩn bị kỹ năng tái đầu tư quay vòng vốn. Khi mà hướng ra cho đời sống người dân trước cơn lốc đô thị hóa còn chưa rõ ràng thì những không gian làng nghề rất có thể sẽ chỉ còn là dĩ vãng.