Mỗi năm người dân Việt Nam chi trả không dưới 20.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD) chỉ để gửi xe. Kinh doanh điểm đỗ xe đã trở thành lĩnh vực siêu lợi nhuận.
Bám vào vỉa hè, lề đường để kinh doanh ăn uống, cùng vô số cửa hàng cửa hiệu ngày càng phổ biến. "Làm luật" đã trở thành câu cửa miệng cho bất cứ ai có ý định chiếm vỉa hè để kiếm sống làm giàu.
Riêng thành phố Hà Nội, khó có thể đếm xuể những vụ vi phạm đối với vỉa hè và lòng đường. Thay vì được xử phạt và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, mọi chuyện vẫn cứ kéo dài hết năm này qua năm khác, hết ngày này đến tháng khác.
‘ Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (phải) trong cuộc trao đổi với phóng viên VTV.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, vỉa hè và lòng đường không dành cho người dân kinh doanh nhưng người ta lại nghĩ ra thuật ngữ “làm luật”, người ta vi phạm luật nhưng vẫn tồn tại được và thậm chí người ta có thể kinh doanh trong thời gian dài. Rõ ràng “làm luật” cần có người đi làm luật và người cho luật mà chúng ta hay gọi là bất thành văn.
Ông Vũ Đình Ánh cũng cho rằng: “Luật bất thành văn trong trường hợp này là vi phạm các quy định pháp luật chính thức, các quy định thành văn. Đây là hiện tượng trong xã hội đã kéo dài khá lâu và rõ ràng đến lúc phải nhìn thẳng vào đó để tìm xem bản chất của nó là gì. Bởi đây chính là câu chuyện bắt nguồn cuộc sống, mà luật thành văn hay luật bất thành văn đều bắt nguồn từ đây”.
Trong xã hội đặc biệt là các đô thị phố lớn, dường như từ “làm luật” được sử dụng phổ biến và ăn sâu vào xã hội. Nó nhạy cảm bởi dường như ai cũng biết nhưng rất ít người dám động chạm trực tiếp đến nó. Nó phơi bày trước mặt chúng ta trên vỉa hè, trên đường phố và ai cũng nhìn thấy, ai cũng hiểu nhưng chưa ai công khai điều đó.
Để phân tích, bàn luận về vấn đề “làm luật” ở vỉa hè, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã có cuộc trao đổi với phóng viên VTV trong chương trình Sự kiện và bình luận. Xem chi tiết cuộc trao đổi tại đây.