Hôn nhân cận huyết thống: Nguy cơ hủy diệt giống nòi

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 14/01/2016 10:40 GMT+7

VTV.vn - Theo ông Chu Tuấn Thành, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy Ban Dân tộc, nếu không được quan tâm, 5 dân tộc Si La, Lô Lô, Pu Péo, Rơ Mâm và Brâu sẽ có nguy cơ biến mất.

Theo các chuyên gia y tế và sinh học, hôn nhân cận huyết là cơ sở cho những gen lặn, bệnh lý tương đồng ở các ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau. Con cái của những cặp hôn nhân cận huyết có nguy cơ mắc các bệnh tật di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, kém phát triển về trí não, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn ra nghiêm trọng ở 5 dân tộc: Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Rơ Mâm, Brâu (Kon Tum) và những dân tộc có dân số khoảng dưới 1.000 người. Theo thống kê, trong cộng đồng dân tộc Lô Lô, cứ 50 trường hợp kết hôn thì có 12 trường hợp là con cô, con cậu.

Theo ông Chu Tuấn Thành - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy Ban Dân tộc, nếu không được Đảng và Nhà nước quan tâm thì 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người này sẽ biến mất, từ phong tục tập quán, bản sắc văn hóa tới chính con người.

Không chỉ hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn tại các vùng miền núi cũng đang diễn ra phổ biến. Nói về nguyên nhân hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phân tích: "Họ chỉ lấy trong dòng họ với nhau để bảo tồn nòi giống. Ở miền núi phía Bắc, cứ 2 - 3 hộ dân ở một quả núi, với khoảng cách này muốn khắc phục chuyện tảo hôn và hôn nhân cận huyết là rất khó, do đó, phải có cách nhìn rộng, toàn diện hơn thì mới có cách giải quyết tốt".

Bên cạnh đó, theo ông Chu Tuấn Thành, một nguyên nhân khác khiến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn phổ biến nằm ở công tác tuyên truyền. “Công tác tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn, chính sách chưa rõ ràng cụ thể, chưa có điều kiện kinh tế để hỗ trợ nên hoạt động tuyên truyền chỉ mới trên sách vở và trên kế hoạch, trong khi việc đi sâu vào bản chất để tháo gỡ chưa làm được”, ông Chu Tuấn Thành nhận định.

Lần đầu tiên Đề án với lộ trình 10 năm nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với kinh phí 700 tỷ đồng, Đề án sẽ phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 2 - 3% số cặp tảo hôn, giảm 3 - 5% số cặp kết hôn cận huyết thống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online !

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước