Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 9,4 triệu người thường xuyên tới các cơ sở y tế để điều trị căn bệnh tăng huyết áp. (Ảnh:Đỗ Thoa/chinhphu.vn)
Năm nay, ngày Sức khỏe Thế giới với chủ đề “Đấu tranh chống bệnh cao huyết áp" đã được WHO lựa chọn, nhằm nhấn mạnh lĩnh vực y tế công cộng ưu tiên quan tâm trên thế giới hiện nay
Theo WHO, hiện nay trên thế giới có tới 1/3 số người trên 25 tuổi, tương đương gần 1 tỷ người, có hiện tượng huyết áp vượt quá giới hạn bình thường. Đây là loại bệnh nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đầy đủ sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp và các bệnh về thận... Tuy nhiên, thực tế cho thấy trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 9,4 triệu người thường xuyên tới các cơ sở y tế để điều trị căn bệnh trên.
Điều đáng nói là, mặc dù ảnh hưởng đến hơn 1/3 số người trưởng thành trên toàn thế giới, cao huyết áp vẫn còn là một ẩn số lớn. Nhiều người không hề biết bản thân mình có huyết áp cao vì cao huyết áp không luôn luôn gây ra các triệu chứng. Kết quả là hơn 9 triệu người chết mỗi năm, trong đó có khoảng một nửa các ca tử vong do bệnh tim mạch và đột qụy.
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và suy thận. Nếu không kiểm soát, huyết áp cao cũng có thể gây mù lòa, nhịp tim bất thường và suy tim. Nguy cơ gây các biến chứng này cao hơn khi có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đi kèm như bệnh tiểu đường.
Trên thế giới cứ 3 người trưởng thành thì có hơn 1 người bị huyết áp cao. Tỷ lệ này tăng lên cùng với tuổi, từ 1/10 trong độ tuổi 20 và 30 đến 5/10 ở độ tuổi 50. Tần suất hiện mắc của cao huyết áp cao nhất ở một số nước có thu nhập thấp ở châu Phi, với hơn 40% người trưởng thành ở nhiều quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng.
Riêng tại Việt Nam, theo GS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng viện Tim mạch quốc gia, tỷ lệ người bị tăng huyết áp cũng đang ngày càng gia tăng. Năm 2007, ước tính số người tăng huyết áp ở nước ta là 6,85 triệu người và dự báo đến năm 2025, khoảng 10 triệu người Việt Nam sẽ bị tăng huyết áp.
Là một nước có tỷ lệ người cao tuổi cao (chiếm 10% tổng dân số), Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị ứng phó với thách thức già hóa dân số bao gồm cả việc phòng chống tăng huyết áp ở người cao tuổi.
Huyết áp cao có thể phòng ngừa và điều trị được. Ở một số nước phát triển, phòng ngừa và điều trị tình trạng này, cùng với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đã làm giảm tử vong do bệnh tim mạch.
Bệnh nhân bị tăng huyết áp có thể điều chỉnh được bệnh của mình bằng cách giảm lượng muối ăn; tránh uống nhiều rượu bia; tham gia hoạt động thể lực thường xuyên; duy trì một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh; tránh hút thuốc lá.
Với những phân tích trên, nhân ngày Sức khỏe Thế giới, WHO kêu gọi những người đã trưởng thành thường xuyên kiểm tra huyết áp tại gia đình hoặc các cơ sở y tế và cần áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa và điều trị cần thiết, tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người.
WHO đặc biệt lo ngại trước một thực tế là con người thường không quan tâm tới huyết áp, ít khi chủ động kiểm tra huyết áp và vì vậy, với rất nhiều người, khi đã ở giai đoạn nguy hiểm mới phát hiện được bệnh.