Hoàng Thành Thăng Long: Trung tâm quyền lực

Việt Hùng-Thứ bảy, ngày 18/08/2012 07:05 GMT+7

Vì sao suốt 13 thế kỷ, tất cả các vương triều từ Lý, Trần, Lê tới Nguyễn đều chọn Hoàng Thành - Thăng Long để xây dựng một Trung tâm quyền lực của cả nước hoặc của toàn bộ khu vực Bắc Bộ mà không hề có bất kỳ một sự dịch chuyển nào?

Đó là câu hỏi thực sự đã khiến giới chuyên môn phải ngạc nhiên khi tiến hành khai quật các di chỉ tại khu di tích lịch sử có một không hai này. Và đó cũng là lý do vì sao Hoàng Thành Thăng Long lại có mật độ dày đặc các hiện vật lịch sử và di chỉ khảo cổ chưa từng thấy ở bất kỳ một di tích nào khác trên địa bàn cả nước.

TS.Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, những di tích này cũng rất phong phú và đi kèm theo nó là một hệ thống di vật mà các nhà khảo cổ đếm sơ sơ cũng đã lên tới hàng triệu hiện vật. Tất cả đều phản ánh quá trình phát triển về văn hóa và lịch sử của Việt Nam suốt 13 thế kỷ với những giá trị lịch sử và văn hóa không chỉ mang ý nghĩa nội tại của dân tộc mà còn có ý nghĩa toàn cầu.
Hàng triệu hiện vật được tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long không chỉ phản ánh tiến trình phát triển của lịch sử - văn hóa của dân tộc suốt 13 thế kỷ từ thời Thăng Long còn được gọi là An Nam đô hộ phủ thế kỷ thứ VII đến tận thế kỷ XX mà thực tế những hiện vật này còn phản ánh quá trình giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực từ Trung Quốc, Chăm pa cho tới Indonesia, Nhật Bản và cả khu vực Tây Á. Đây chính là yếu tố mà Hoàng Thành Thăng Long được các chuyên gia thế giới đánh giá là di sản vật thể của nhân loại.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, ta tiếp thu những giá trị toàn cầu của thế giới, kể cả phương Đông và phương Tây không phải chỉ theo bề ngoài, mà còn kết hợp những giá trị toàn cầu đó thành những giá trị cốt lõi của Việt Nam, rồi từ đó sáng tạo ra những giá trị mới. Tính toàn cầu của Hoàng Thành Thăng Long biểu hiện trên phương diện này.
Thời gian vẫn cứ mãi chảy trôi qua khu thành cổ. Suốt 13 thể kỷ, không biết bao nhiêu kiếp người đã từng sinh sống nơi đây với biết bao nhiêu cuộc chiến đã tràn qua, phá hủy nhiều đền đài, dinh thự của những vương triều xưa nhưng những trầm tích văn hóa của dân tộc và cả thế giới đã kết tụ nơi đây rõ ràng không bao giờ có thể mất đi. Những cổng thành, chứng tích điển hình cho một trung tâm quyền lực của nhà nước phong kiến tập quyền phương Đông điển hình vẫn sừng sững đứng đó như một minh chứng rõ ràng của một thời vàng son của Hoàng Thành xưa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước