Hoài nghi lòng tốt của các Mạnh Thường Quân

VTV.vn-Thứ tư, ngày 01/12/2010 11:00 GMT+7

Dư luận xã hội đang hoài nghi về lòng tốt của các Mạnh Thường Quân thông qua một số chương trình từ thiện được tổ chức trong thời gian vừa qua. VTV.vn xin đăng tải bài viết về vấn đề này trên báo Thể thao Văn hóa ngày 1/12.

Nghệ sĩ Quang Đạt phải nhận “quả đắng” trong vụ chiếc xe cổ có 500 chữ ký của người nổi tiếng

Đụng phải Mạnh Thường Quân rởm
Năm 2008, đạo diễn Nguyễn Lâm nhận tổ chức một đêm ca nhạc tạp kỹ tại huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu với mục đích bán vé giúp học sinh nghèo ở quê hương chị Võ Thị Sáu. Nguyễn Lâm ký hợp đồng làm thuê cho một công ty tổ chức sự kiện với thù lao hết sức tượng trưng. “Bởi người ta làm việc thiện thì mình cũng nên đóng góp công sức” - Nguyễn Lâm chia sẻ. Ngoài nhiệm vụ đạo diễn, anh còn phải huy động nghệ sĩ tham gia cũng như lo phần hậu đài. Tất nhiên, các nghệ sĩ tham gia đều xuất phát từ tấm lòng, còn thù lao chỉ đủ để di chuyển từ TP.HCM đến huyện Đất Đỏ.
Những gì Nguyễn Lâm đã làm đều được thu lại trong băng ghi hình, khán giả đến tham dự chật kín sân vận động huyện Đất Đỏ. Khán giả đến đông đồng nghĩa với doanh thu đêm diễn thành công và học sinh nghèo của huyện này sẽ có nhiều tiền. Đạo diễn Nguyễn Lâm rất mừng vì việc làm của mình đạt hiệu quả cao.
Thế nhưng, sau đó, việc thanh toán hợp đồng của anh với công ty tổ chức sự kiện kia gặp trở ngại dù số tiền không đáng là bao. Lẽ ra công ty tổ chức sự kiện phải thanh toán cho Nguyễn Lâm “một cục” để anh trả thù lao cho các nghệ sĩ, công nhân hậu đài thì họ cứ “cù nhầy”. Để tránh hiểu lầm, vì các nghệ sĩ và những người tham gia đêm diễn chỉ biết Nguyễn Lâm chứ không biết công ty kia, anh phải móc hầu bao trả cho cộng sự.
Đến nay, sau nhiều lần đi đòi nợ không được, Nguyễn Lâm xem như “làm công quả”. Nhưng mỗi khi nhắc lại việc này, anh không khỏi “bực bội” vì: “Nếu làm từ thiện dù chỉ một xu cũng phải đúng chỗ, đằng này mình lại đi làm từ thiện cho bọn lừa đảo, vừa tốn công vừa mất tiền”. Còn doanh nghiệp tổ chức sự kiện kia có vì học sinh nghèo huyện Đất Đỏ hay không thì Nguyễn Lâm cũng như các nghệ sĩ tham gia đêm diễn không thể nào biết!
Trường hợp của nghệ sĩ Quang Đạt và chiếc xe cổ tiền tỷ cũng bị lừa “ngoạn mục” không kém. Để có tiền xây nhà lưu niệm điện ảnh nhằm ghi nhớ công lao của các nghệ sĩ trên lĩnh vực này, Quang Đạt đã bán đi chiếc xe gắn máy cổ có gần 500 chữ ký của người nổi tiếng. Người mua là doanh nhân Võ Minh Tùng - giám đốc một công ty xây dựng - với giá 80.000 USD. Mục đích ông Tùng mua cái xe này để đấu giá làm từ thiện. Ông Tùng đưa trước cho Quang Đạt 30.000 USD rồi không trả nữa. Phần còn lại 50.000 USD đến nay Quang Đạt vẫn chờ đợi trong khắc khoải, còn nhà lưu niệm điện ảnh thì vẫn ngổn ngang.
Sự việc ly kỳ và ngoạn mục ở chỗ, mục đích đấu giá cái xe cổ để làm từ thiện của ông Võ Minh Tùng không đi đến đâu. Nhưng cái xe cổ lại đi đến tỉnh Bình Dương như một vật thế chấp để ông Võ Minh Tùng vay tiền. Cụ thể, cái xe cổ của nghệ sĩ Quang Đạt hiện nằm ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương. Hỏi chị Huỳnh Tiểu Hương - Giám đốc trung nhân đạo này - chị cho biết: “Anh Võ Minh Tùng đem cái xe xuống Bình Dương tặng cho trung tâm, nói rằng để trung tâm bán đấu giá lấy tiền giúp các em mồ côi, tàn tật. Sau đó vài ngày, Tùng kêu đang kẹt tiền cần gấp để lo công việc hỏi mượn tôi 600 triệu đồng trong 30 ngày sẽ trả lại. Thấy người tốt tặng xe cổ tiền tỷ cho trung tâm, tôi cho Tùng mượn tiền rồi đến nay vẫn chưa thấy trả. Giấy tờ anh Tùng ký tặng xe và mượn tiền tôi vẫn còn đang giữ đây”. Việc ông “doanh nhân” Võ Minh Tùng mua xe cổ để làm từ thiện nhưng trả chưa đủ tiền đã đem đi tặng nơi khác, tặng xong lại mượn tiền đã kéo dài gần một năm nay.
Hiện, nghệ sĩ Quang Đạt và chị Huỳnh Tiểu Hương đang nhờ pháp luật “đòi nợ” vị “Mạnh Thường Quân” Tùng. Nghệ sĩ Quang Đạt cay đắng: “Sau sự việc, tôi mới biết mình bị lừa. Hóa ra họ lừa đảo chứ không từ thiện gì hết. Họ không vì nhà lưu niệm điện ảnh ghi công những người mà họ nói rằng rất hâm mộ và cũng không vì người bất hạnh”.
Lòng tốt cũng thông qua... trung gian
Hỏi bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM - Hội đóng vai trò gì trong các chương trình từ thiện như đêm Hoa hậu trái đất với doanh nhân hướng về miền Trung? Bà Huệ trả lời rằng: “Hội chỉ là đơn vị tiếp nhận tấm lòng của mọi người để chuyển đến những người cần giúp đỡ”.
Tìm hiểu thêm, TT&VH biết được những chương trình từ thiện trong đó có bán đấu giá như đêm 11/11, thường thì các đơn vị tư nhân đến đặt vấn đề liên kết với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM để cùng thực hiện. Nói là cùng thực hiện, nhưng thực chất Hội chỉ đứng tên rồi nhận kết quả, còn mọi sự đều do tư nhân làm. Trong đêm 11/11, ban tổ chức kiêm nhà tài trợ là Công ty đá quý Gia Gia. Công ty Gia Gia vì không có chức năng tổ chức sự kiện lại bỏ tiền thuê 2 đơn vị khác thực hiện.

Như vậy, để truy ra trách nhiệm chính trong đêm 11/11 thật vòng quanh. Ông Đinh Gia Diên - Giám đốc Công ty Gia Gia thì kêu rằng: “Tôi chỉ là Trưởng ban Tổ chức tự phong. Thực chất tôi chỉ là nhà tài trợ”. Ngay cả giấy phép đêm 11/ 11, ông Đinh Gia Diên cũng thuê đơn vị khác đi xin để sau này chính ông “nghi ngờ” là giấy phép giả. Nguyên văn ông nói: “Tôi nghi là đêm 11/11 không có giấy phép. Sau này, xem lại giấy phép thấy cắt dán nên tôi nghi”.
Từ những thông tin vừa nêu, xem ra đêm Hoa hậu trái đất với doanh nhân hướng về miền Trung phải qua khá nhiều cửa “trung gian”. Người “chủ xị” thật sự đêm 11/11 chỉ là người bỏ tiền tổ chức, ngay cả Hội Chữ thập đỏ cũng chỉ đóng vai trò đến xem kết quả rồi chờ nhận tiền.
Ở ta lâu nay có một thứ “văn hóa” đang rất phổ biến là văn hóa “làm trung gian” hay gọi nôm na là “cò”. Xét từ việc đấu giá bộ Tứ linh hội tụ thì thấy, họ còn “nhảy” lên sân khấu truyền hình trực tiếp để làm việc nghĩa. Bộ Tứ linh hội tụ này gốc là của ông Võ Ngọc Hà (Đà Lạt) từng tham gia Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ông Hà ký hợp đồng với ông Nguyễn Trung Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Truyền thông Asean C&C (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) với giá 1 triệu USD. Hợp đồng có hiệu lực đến hết buổi truyền hình trực tiếp 11/11, ông Nguyễn Trung Thành sẽ chuyển 1 triệu USD cho ông Hà. Thế nhưng, giá khởi điểm của bộ Tứ linh này đưa ra đấu giá lại là 2 triệu USD. Nếu phi vụ này “như ý”, thì nghiễm nhiên ông Nguyễn Trung Thành bỏ túi 1 triệu USD. Lại nếu phi vụ này thành công, thì người nghèo miền Trung chẳng còn lại bao nhiêu tiền sau khi đã trừ tiền gốc của ông Hà và tiền của ông Thành. Nhưng mọi việc không đơn giản vậy, ông Võ Ngọc Hà cho biết: “Sáng 12/ 11, tôi đã mời ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Asean và ông Phạm Văn Đạt là người trúng đấu giá đến văn phòng luật sư đại diện của tôi để làm việc. Tại đây, cả ông Thành và ông Đạt đều nói không có tiền và xin tôi cho thời gian để xoay xở. Tôi hỏi cần bao lâu thì không ai đưa ra được thời gian cụ thể”.
Sau khi ông Phạm Văn Đạt (Công ty gốm sứ Bảo Long - Hà Nội) không mua bộ Tứ linh với giá gần 48 tỷ đồng, ông hứa (có bản ghi nhớ) sẽ tặng Hội Chữ thập đỏ 1 tỷ đồng, sẽ chuyển thành 3 lần, lần đầu chuyển 300 triệu đồng vào ngày 29/11. Nhưng quá thời hạn trên, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cho biết, vẫn chưa nhận được xu nào từ ông Đạt.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước