Rau an toàn là ước mơ của người tiêu dùng. (Ảnh: Internet)
Trước thực trạng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn còn nhiều bất cập, chưa tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã hợp tác triển khai chương trình thí điểm kiểm soát theo chuỗi từ cơ sở sản xuất rau an toàn đến nơi tiêu thụ.
Sống bằng nghề trồng rau từ những năm 60 và từ chục năm trở lại đây, bà Đặng Thị Xíu cũng như hàng trăm hộ dân ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội trồng rau an toàn cung cấp cho thành phố, thế nhưng gần đây, bà được thấy bao rau, túi rau của mình trước khi ra thị trường lại được gắn nhãn nhận diện.
"Trước đây, khi không được gắn nhãn nhận diện, khi ra chợ đầu mối, rau của chúng tôi không có gì phân biệt cả. Bây giờ rau được gắn nhãn nhận diện, giá cả cũng khác mà chất lượng cũng phải đảm bảo hơn", bà Đặng Thị Xíu chia sẻ.
Hàng ngày, tại HTX NN Văn Đức, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội chia theo nhóm phụ trách từng vùng để thực hiện công việc đóng ngày thu hoạch vào thẻ nhận diện và họ cũng chính là người trực tiếp gắn nhãn trên sản phẩm rau.
Chị Hoàng Thị Thúy Nga, trạm Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi phải tính toán lượng rau ra thị trường trong ngày của xã là bao nhiêu để tính số thẻ phát ra cho khớp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kiểm soát cả tình trạng có rau của nơi khác mang đến".
Với vùng rau rộng lớn khoảng 285ha, trong đó có đến 250ha là rau an toàn, ngay khi triển khai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phân công cán bộ trực tiếp giám sát trên đồng ruộng. Theo Cục Bảo vệ thực vật, cơ chế kiểm tra, lấy mẫu định kỳ và đột xuất sẽ tiếp tục được triển khai sát sao để tạo dựng thương hiệu cho nhãn nhận diện rau an toàn Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: "Với nhãn nhận diện, chúng tôi có logo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới đây sẽ có thêm dấu đỏ của chi cục Bảo vệ thực vật. Bởi vậy, cơ hội làm giả sẽ rất khó".
Theo thỏa thuận hợp tác, chương trình sẽ thí điểm triển khai từ nay đến hết tháng 6/2012. Những vùng rau có quy mô lớn và có truyền thống canh tác sẽ là nơi thực hiện đầu tiên.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nói: "Vấn đề hiện nay cần giải quyết đó là chúng ta tạo cơ chế lòng tin cho người tiêu dùng".
Mỗi ngày tại vùng rau xã Văn Đức có khoảng 60-70 tấn rau ra thị trường. Trên những chuyến xe chở rau về chợ đầu mối của thành phố đều dễ dàng nhận thấy có sự thay đổi về hình thức.
Những động thái này đang được đánh giá là sáng kiến hay trong việc tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng về rau an toàn của thành phố. Sau rau an toàn, chương trình này sẽ tiếp tục triển khai với rau Vietgap.