Thực tế này diễn ra từ nhiều năm qua trên thị trường vàng bạc trang sức và đương nhiên, người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi. Thực trạng này ai cũng biết, nhưng không có chế tài, cơ quan quản lý thì thờ ơ, vì thế người tiêu dùng chỉ còn biết chấp nhận.
Một chiếc nhẫn được mua tại một cửa hàng vàng bạc tư nhân với giá hơn 1 triệu đồng. Người bán hàng khẳng định, đây là vàng 18K. Theo tiêu chuẩn được Tổng cục Đo lường CL quy định thì vàng 18K phải có tỷ lệ vàng 75%.
Thế nhưng khi đưa chiếc nhẫn đến trung tâm Ngọc Học tại Ruby Plaza để kiểm định, thì kết quả thu được chỉ còn 66%, có nghĩa là thiếu gần 10% hàm lượng vàng so với quy định, tương đương người tiêu dùng bị móc túi khoảng 100 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Trung tâm Ngọc Học và giám định Tập đoàn vàng bạc Doji cho biết: “Chúng tôi thử nghiệm bằng máy huỳnh quang phổ. Việc vàng thiếu tuổi là do sự chủ động của người sản xuất, nơi bán, chứ không phụ thuộc vào thiết bị hay cái gì cả. Mục đích là để trục lợi”.
Trên thực tế, có nhiều nơi bán vàng ghi là 18K, nhưng tỷ lệ vàng có khi chỉ còn một nửa, người tiêu dùng khó mà phát hiện bằng mắt thường. Đây không phải là điều hiếm thấy trên thị trường trang sức, đặc biệt là ở những cửa hàng vàng bạc nhỏ lẻ. Nghịch lý ở chỗ, ai cũng biết điều này, nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm quản lý giám sát.
Theo ông Đỗ Minh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng: “Chúng ta có quy chuẩn về tuổi vàng được đưa ra từ năm 2002, nhưng không có ai đứng ra giám sát, quản lý. Chưa bao giờ có việc xử phạt ai về việc vàng kém tuổi, lẽ đương nhiên là vẫn cứ tồn tại… Chúng tôi cũng đã kiến nghị về vấn đề này”.
Một năm, thị trường vàng trang sức Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tấn, nếu các sản phẩm đều thiếu từ 10 đến 30% hàm lượng vàng thì có thể thấy, người tiêu dùng đã bị móc túi một khoản tiền không nhỏ. Và tình trạng vàng thiếu tuổi này đã tồn tại nhiều năm nay, đến mức như là chuyện hiển nhiên. Thế nên thị trường hiện mới có thông lệ, mua vàng ở đâu thì nên bán ở đó, bởi chẳng nơi nào chịu công nhận chất lượng của nhau, nếu có chấp nhận thì thường là với giá rất thấp.
Hiểu theo cách khác, thị trường trang sức Việt Nam đang được thả nổi, mạnh ai người đấy làm, không có quy chuẩn, hay sự giám sát nào cả. Và lẽ dĩ nhiên, người tiêu dùng là người chịu thiệt thòi nhất.